Xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế là một trong những vùng xung yếu ven biển thường xuyên bị sạt lở và triều cường xâm thực. Đây cũng được xác định là địa bàn sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi bão số 4 tiến vào đất liền. Xã có 71 hộ và 322 nhân khẩu; trong đó có 22 hộ thuộc diện cần di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Chính quyền địa phương xã Phú Thuận tận dụng cơ sở vật chất của Trường Mầm non Phú Thuận (nằm trên địa bàn xã) để sơ tán, tạo nơi trú bão an toàn cho bà con.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Thuận Nguyễn Thị Oanh cho hay: Địa phương đã bố trí 8 phòng học ở trường cùng nhiều lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân sử dụng trong thời gian tránh trú bão. Ngoài ra, bếp gas cũng được chuẩn bị để người dân chủ động nấu ăn trong trường hợp mất điện do bão.
Thượng tá Phan Thế Hùng, Phó Trưởng Công an huyện Phú Vang cho biết, sau khi có công điện của lãnh đạo huyện và Công an tỉnh, đơn vị đã tăng cường lực lượng về cơ sở cùng triển khai phương án tránh trú bão, giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, hỗ trợ xây dựng điểm tránh trú bão tập trung và xen kẽ các hộ nhà kiên cố; phấn đấu trong sáng 27/9 sẽ hoàn thành việc di dời các hộ dân.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4, từ ngày 27/9 đến hết ngày 28/9, trên địa bàn tỉnh xuất hiện đợt mưa to, mưa rất to; dự báo có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ, lũ quét và sạt lở đất. Các vị trí có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển là tại các huyện: Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, thị xã Hương Trà.
Qua kiểm tra, rà soát, huyện Nam Đông có 9 điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét ở các xã: Hương Phú, Thượng Lộ, Hương Lộc, Thượng Nhật, Thượng Long, Hương Xuân và thị trấn Khe Tre. Để đảm bảo an toàn cho các hộ ở những vùng trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn huyện đã chỉ đạo các địa phương rà soát lập danh sách 1.670 hộ/6.186 khẩu để sơ tán đến các vị trí an toàn như trụ sở trường học, cơ quan và nhà kiên cố của người dân xung quanh khi có mưa lớn xảy ra.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông Lê Thanh Hồ cho biết, để ứng phó với bão số 4, địa phương đã chuẩn bị sẵn các vật dụng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; cấp cho các xã hàng trăm chiếc áo phao, phao tròn, máy cưa, máy phát điện; đồng thời dự trữ 30 tấn gạo, 500 thùng mì tôm và 4.500 lít xăng, dầu. Dự kiến trước 17 giờ ngày 27/9, các địa bàn hoàn thiện việc chằng, chống nhà cửa; chuồng trại gia súc; đem gia súc ở khu chăn thả về nhà; chặt tỉa các cây xanh có nguy cơ ảnh hưởng đến nhà ở và cản trở giao thông.
Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 14.384 hộ dân với 47.411 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng cần được di dời đến nơi an toàn. Vì vậy, công tác di dời người dân đến nơi an toàn đang được tỉnh gấp rút hoàn thành trước 12 giờ ngày 27/9; trong đó ưu tiên di dời trước các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo trước thời điểm bão vào. Bên cạnh đó, địa phương cũng yêu cầu người dân không được ra đường từ 21 giờ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt. Các khu chợ truyền thống tạm ngừng hoạt động từ 14 giờ ngày 27/9.