Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Nam, do ảnh hưởng của bão số 1, từ đêm 17/7, tỉnh Hà Nam có mưa to đến rất to và dông, trong mưa dông đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt (từ đêm ngày 17 đến 20/7) phổ biến từ 100-200 mm, có nơi trên 200mm. Các huyện Bình Lục, Lý Nhân, thị xã Duy Tiên và thành phố Phủ Lý: 100-200mm, các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng 150-250mm. Từ gần sáng ngày 18/7, gió bão mạnh dần lên cấp 4, cấp 5, giật cấp 6.
Để chủ động đối phó với bão số 1 và mưa lũ sau bão, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023 về việc tập trung ứng phó với bão số 1 năm 2023, bảo vệ an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân, Nhà nước; tổ chức nghiêm túc công tác trực ban, theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, diễn biến bão lũ; thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh, không được chủ quan, lơ là.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát nhà cửa của các hộ dân trên địa bàn có nguy cơ đổ, mất an toàn, các hộ dân, các tàu thuyền ven sông Hồng, sông Đáy… chủ động triển khai sơ tán người dân ra khỏi các công trình, nhà ở không an toàn, các khu vực có nguy cơ ngập sâu, các khu vực có nguy cơ sạt lở cao; tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại, các khu vực sườn dốc, các công trường đang thi công, các khu vực khai thác khoáng sản, các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, nguy cơ ngập sâu khi có mưa lớn để kịp thời phát hiện các nguy cơ có thể xảy ra; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động ứng phó nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, cơ sở hạ tầng. Các đơn vị kiểm tra, rà soát an toàn hệ thống công trình đê điều đặc biệt là các vị trí trọng điểm, đê điều xung yếu hoặc đang thi công; chuẩn bị đầy đủ lực lượng vật tư, phương tiện và các điều kiện bảo đảm thực hiện phương án theo phương châm “4 tại chỗ”, “xử lý giờ đầu” bảo đảm an toàn đê điều, các công trình phòng chống lụt bão.
Các địa phương tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các công trình cột tháp cao, hệ thống lưới điện; quán triệt, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các xã, phường, thị trấn nơi có đê tổ chức lực lượng, thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ, kịp thời phát hiện, xử lý, bảo đảm an toàn cho đê, kè, cống; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt và báo cáo kịp thời khi xảy ra sự cố về đê điều; rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sẵn sàng tiêu úng bảo vệ lúa mới cấy và hoa màu, khu vực trũng thấp, khu đô thị, khu công nghiệp; triển khai các phương án đảm bảo cho các khu vực nuôi trồng thủy sản, các công trình hạ tầng kỹ thuật, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên bãi sông.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Ban Quản lý Khu Đại học Nam Cao tỉnh, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị Hà Nam theo chức năng nhiệm vụ rà soát, khẩn trương thực hiện phương án phòng, chống thiên tai đã phê duyệt; khẩn trương vận hành hệ thống công trình thủy lợi, hệ thống công trình tiêu thoát nước khi xảy ra mưa lớn có nguy cơ gây ngập úng, đảm bảo giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Công ty Điện lực Hà Nam kiểm tra rà soát hệ thống công trình điện đảm bảo nguồn điện phục vụ cho bơm tiêu úng, thông tin liên lạc, phục vụ sản xuất. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình bão, mưa, lũ sau bão báo cáo UBND tỉnh kịp thời tình hình thời tiết để phục vụ chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong trường hợp bão đổ bộ, mưa lũ lớn ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh bố trí quân số ứng trực để chủ động chỉ đạo, phối hợp, triển khai lực lượng, phương tiện, hỗ trợ các địa phương ứng phó với bão, mưa, lũ bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Sở Thông tin Truyền thông chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt khi có thiên tai xảy ra. Sở Y tế rà soát chuẩn bị phương tiện, thiết bị y tế, thuốc men kịp thời thực hiện cấp cứu nạn nhân, khử trùng, phòng dịch khi có thiên tai xảy ra. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Nam bố trí thời lượng đưa tin về bão số 1 để nhân dân trong tỉnh biết, chủ động ứng phó.
Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan chủ động triển khai công tác ứng phó với bão, mưa, lũ theo quy định. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, diễn biến bão, mưa, lũ chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai; thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo theo quy định.