Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2023 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động với chủ đề “Nước an toàn và đầy đủ cho mọi người”, kéo dài từ ngày 29/4 đến ngày 6/5.
100% số dân được dùng nước sạch đạt quy chuẩn, bền vững
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, hiện có khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun; 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen, nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và vệ sinh môi trường kém. Báo cáo gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng vẫn có đến 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng nước an toàn. Vì những lý do đó, WHO xếp Việt Nam vào nhóm nước có tình trạng an ninh nguồn nước đáng báo động, nhất là ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, Việt Nam đã có những chuyển biến trong việc tăng độ bao phủ về cấp nước sạch và vệ sinh, đặc biệt tại khu vực nông thôn; khả năng tiếp cận nguồn nước đã cải thiện tăng lên trên toàn quốc. Cụ thể, sau 40 năm, từ khi được sự hỗ trợ của UNICEF vào năm 1982, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh từ 10% năm 1982 tăng lên gần 90% năm 2019, 51% sử dụng nước đạt QCVN02:2009/BYT, 44% dân số nông thôn (28,5 triệu người) được cấp nước từ các công trình cấp nước tập trung, 56% dân số nông thôn (36,3 triệu người), sử dụng công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình.
Đặc biệt, ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 318/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2022-2025, trong đó nhấn mạnh và nâng chỉ tiêu tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch đạt quy chuẩn. Điều này thể hiện sự quan tâm và là quyết tâm của Chính phủ về Chương trình nước sạch nông thôn.
Bên cạnh đó, gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1978/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Chiến lược). Đây được xem là bước đột phá để cải thiện chất lượng nước sinh hoạt vùng nông thôn. Trong đó, Chiến lược đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cấp nước và vệ sinh nông thôn hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Theo Chương trình, mục tiêu đến năm 2030, có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, tối thiểu 60 lít/ngày. Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các giải pháp cụ thể như: Về cấp nước sạch nông thôn, Chiến lược thực hiện đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung gắn với khai thác, quản lý vận hành theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu; đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, để thực hiện Chiến lược này thành công, theo các chuyên gia lĩnh vực tài nguyên nước, việc đầu tư phải đủ và triển khai có chọn lọc theo đặc thù của từng vùng miền, địa phương; phải có cam kết mạnh mẽ để “không ai bị bỏ lại phía sau”, đồng thời phải tiếp cận theo hướng đa chiều với sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương.
Đặc biệt, khi thị trường dịch vụ nước sạch hiện còn nhiều vấn đề chưa hoàn chỉnh, từ khâu tổ chức đến khâu điều tiết, vận hành… thì rất cần có một luật riêng cho thị trường nước. Qua đó, có thể điều chỉnh không chỉ vấn đề cấp nước mà cả vấn đề xử lý chất lượng nước sinh hoạt nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân ở cả đô thị và nông thôn.
Tiêu chí quan trọng để giảm nghèo
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Quyết định số 2123/QĐ-UBND về phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Vĩnh Phúc phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước dưới đất của 41 tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, vận hành công trình trên địa bàn với nội dung cụ thể: Đối với công trình khai thác nước dưới đất để cấp cho sinh hoạt quy mô khai thác từ 3.000m3/ngày đêm trở lên phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn 30 mét tính từ miệng mỗi giếng của công trình. Các công trình khai thác nước dưới đất quy mô khai thác từ 10m3/ngày đêm đến dưới 3.000m3/ngày đêm phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn 20 mét tính từ miệng mỗi giếng của công trình.
Đối với công trình khai thác nước mặt để cấp cho sinh hoạt (khai thác nước mặt trên sông, suối...) quy mô trên 100 m3/ngày đêm đến dưới 50.000 m3/ngày đêm, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt phải đảm bảo tối thiểu tính từ điểm thu nước của mỗi công trình là 800m về phía thượng lưu và 200m về phía hạ lưu của sông. Các công trình khai thác nước mặt từ hồ chứa phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt là toàn bộ khu vực lòng hồ.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường đăng tải danh mục vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của địa phương để đông đảo người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết thực hiện hiệu quả. Đồng thời đôn đốc, hướng dẫn, giám sát tổ chức, cá nhân thực hiện việc xác định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Bên cạnh việc bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tăng cường công tác bảo vệ, đặc biệt phối hợp xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã đầu tư được nhiều công trình cấp nước sinh hoạt bằng nhiều nguồn vốn. Trong giai đoạn 2016-2019, các đơn vị đã phối hợp tổ chức được 33 lớp tập huấn tại 9 huyện, thành phố và 27 buổi tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường, thu hút trên 4.600 người tham gia. Năm 2019, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93%, tăng 7,3% so với năm 2015. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế là 34%. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Lào Cai phấn đấu trên 98% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 50 % hộ dân sử dụng nước đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sinh hoạt theo quy chuẩn. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lào Cai đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của các huyện, UBND các xã tổ chức các lớp tập huấn về công tác quản lý, vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho các cán bộ cấp xã, cấp thôn, bản và người dân được hưởng lợi trên địa bàn nông thôn.
Để đạt được mục tiêu sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch cho người dân, ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Các công trình cấp nước tại địa phương đều sử dụng nguồn từ nước mạch hay khe suối. Để nguồn nước đảm bảo vệ sinh địa phương đã nỗ lực sửa chữa các công trình nước để phục vụ người dân. Ngoài ra, địa phương còn kết hợp với Trung tâm Y tế dự phòng để lấy mẫu nước xét nghiệm và cấp phép cho các nguồn nước tại địa phương đảm bảo vệ sinh để khai thác, sử dụng.
Giai đoạn tới, tỉnh Lào Cai cần tập trung công tác nâng cấp, sửa chữa và quản lý vận hành, bảo dưỡng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn; duy trì ổn định công trình hiện có, tăng và ổn định bền vững tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch. Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác kiểm soát chất lượng nước nông thôn hằng năm và kịp thời phát hiện công trình có nguồn nước bị ô nhiễm để có giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt.