Tự hào truyền thống, tiếp bước cha anh

Chiều ngày 24/7, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu giữa thế hệ trẻ với thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019, với chủ đề “Tự hào truyền thống, tiếp bước cha anh”.

Chú thích ảnh
Giao lưu giữa thế hệ trẻ với thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019.

Phát biểu tại chương trình gặp mặt, Bí thư BCH Trung ương đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết: Thế hệ trẻ ngày nay được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình. Có được điều đó, thế hệ cha anh đi trước đã phải đổ biết bao xương máu “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. 

Tại buổi giao lưu, bác Phạm Xuân Lai, thương binh 1/4 đã chia sẻ những kỷ niệm về trận đánh ác liệt những năm 1968. Bác Phạm Văn Lai bị thương nặng khi tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975. Hiện nay, bác đang sinh sống tại thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An và thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng khu dân cư trong sạch, vững mạnh.

Bác Trương Hồng Dân sinh năm 1948, tham gia cách mạng từ khi mới 11 tuổi (năm 1959), là thương binh 1/4. Bác Dân kể: “Cả gia đình tham gia cách mạng nên từ nhỏ đã theo mẹ đào hầm nuôi bộ đội. Sau này tham gia làm giao liên, bị địch bắt, bỏ tù tra tấn dã man nhưng tôi không khai. Không có chứng cứ, bọn địch đã phải thả tôi ra. Sau này, tôi  trở thành trung đội trưởng nữ pháo binh huyện Giá Rai, tham gia nhiều trận đánh ác liệt đến khi nước nhà giành được độc lập”.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tại buổi giao lưu.

Còn bác Đào Viết Thoàn sinh năm 1959, nhập ngũ năm 1976, tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới và bị thương nặng năm 1979; là thương binh 1/4. Sau thời gian chữa bệnh trở về địa phương, bác Thoàn mở cơ sở chữa bỏng và chữa trị miễn phí cho hàng chục nghìn người trong suốt 30 năm qua tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

“Được trực tiếp nghe các bác, các cô, các chú thương binh kể về những câu chuyện sống động thời chiến tranh, “những tấm gương anh dũng trong một thời đại anh hùng”, thế hệ trẻ cảm nhận sâu sắc hơn và tự hào hơn về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc. Những thương binh tại buổi giao lưu là chứng nhân lịch sử rõ nét nhất của những cuộc chiến vệ quốc hào hùng ấy. Một phần máu xương của các bác, các cô, các chú đã tô thắm thêm lá cờ đỏ sao vàng; chiến công của các bác, các cô, các chú đã đi vào lịch sử dân tộc”, Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương chia sẻ.

 

XC/Báo Tin tức
Mỗi năm chi khoảng 31.000 tỷ đồng chăm sóc người có công
Mỗi năm chi khoảng 31.000 tỷ đồng chăm sóc người có công

Đến nay cả nước đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công (NCC) và số NCC đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng là gần 1,4 triệu người. Tính đến năm 2018, mức chuẩn để xác định trợ cấp ưu đãi NCC là 1.515.000 đồng. Tổng kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC hàng năm khoảng 31.000 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN