Từ 10/10: Xe khách bắt buộc niêm yết giá cước công khai

Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải về hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải đường bộ và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ yêu cầu các loại ô tô chở khách phải niêm yết công khai giá vé, cước vận chuyển tại nơi bán vé, ở mặt ngoài thành xe, trong xe, dưới vị trí gắn đồng hồ tính tiền...

Từ ngày 10/10/2010. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp kinh doanh vận tải vẫn chưa thực hiện. Khảo sát tại các bến xe ở Hà Nội cho thấy hiện có đến 80% phương tiện chở khách chưa niêm yết giá vé ngoài thành xe. Sự “phớt lờ” này cần được xử lý, răn đe, để tránh tình trạng “lập lờ đánh lận con đen”.

Lập lờ do đâu?

Tình trạng chủ xe không niêm yết giá cước diên ra phổ biến. Ảnh: Lê Phú

Từ 10/10/2010, phương tiện tham gia kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường bộ gồm: Xe chạy tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng, xe chở khách du lịch và chở hàng hóa đều phải niêm yết công khai giá vé. Nhưng do việc phối hợp kiểm tra, xử lý giữa các lực lượng chức năng chưa thường xuyên, cộng với công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, mức phạt chưa đủ sức răn đe, đã khiến không ít doanh nghiệp vận tải, nhà xe và bản thân các lái xe chây ì, không chấp hành quy định này.

Mục sở thị các bến xe ở Hà Nội như: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm, Lương Yên… hiện nay, số xe khách thực hiện việc niêm yết giá theo những quy định trên rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay. Chỉ có lác đác các tuyến xe khách cao cấp đường dài như tuyến Hà Nội-Điện Biên, Hà Nội-Đắk Lắk, Hà Nội-Lâm Đồng… có dán công khai niêm yết giá cước vận chuyển bên ngoài thành xe, gần với cửa lên xuống, còn lại đa số các nhà xe vẫn “ỉm” thông tin về giá vé.

Trong vai hành khách đi xe tuyến Hà Nội-Ninh Bình, khi thắc mắc về việc tại sao không niêm yết giá cước phía ngoài xe, một lái xe tuyến này ậm ừ, đánh trống lảng: “Em cứ lên xe đi, anh không lấy đắt đâu mà lo, giá tuyến chạy cố định Hà Nội-Ninh Bình là 55.000 đồng/vé, xe nào cũng vậy”.

Nhưng khi một hành khách khác hỏi giá và mặc cả, “vùng vằng” lên xuống thì lái xe đồng ý cho đi với giá giảm chỉ còn 45.000 đồng/vé. Hầu hết các chủ xe và phụ lái đều đã biết về quy định niêm yết giá vé vì ban quản lý các bến xe đều phổ biến từ trước đó và hàng ngày vẫn thông báo trên hệ thống truyền thanh của các bến xe. Tuy nhiên, do không có lực lượng kiểm tra trực tiếp, thường xuyên, nên việc thông báo chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, hô hào và việc các lái xe chây ì, phớt lờ quy định cũng là chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi. Còn các nhà xe thì biện minh: Việc niêm yết giá vé trên thành xe hoặc trong xe sẽ khó thực hiện lâu dài, vì giá cước vận tải có lúc tăng lúc giảm, phụ thuộc vào giá xăng, số lượng khách. Nếu thu đúng, thu đủ thì nhà xe chỉ có lỗ.

Đối với loại hình vận tải khách bằng taxi thì việc niêm yết giá cước ngoài xe gần như không có. Vì theo biện minh của nhiều lái xe, giá cước và chiều dài đoạn đường đã có trên bảng điện tử ở trong xe, nên việc in giá cước bên ngoài thành xe là không cần thiết, thậm chí làm xấu xe. Tuy nhiên, đã có không ít hành khách phản ánh nhiều lần lên xe rồi mới ớ người khi bị các hãng taxi tính giá cước đắt hoặc phải yêu cầu bật đồng hồ tính cước, tính chiều dài đoạn đường, lúc đó lái xe mới bật. Rõ ràng, việc lập lờ giá cước của không ít lái xe taxi là có chủ ý, nhằm móc túi khách hàng.

Theo Nghị định số 107/2008/NĐ-CP (ngày 22/9/2008) của Chính phủ ban hành quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại, các cơ quan quản lý thị trường, hải quan, công an và lực lượng thanh tra chuyên ngành đều có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá cả hàng hóa nói chung, niêm yết giá cước, giá vé vận tải nói riêng. Tuy nhiên, chính sự chồng chéo về thẩm quyền đã dẫn tới thực tế việc xử lý các vi phạm về niêm yết giá cước, giá vé đối với ô tô chở khách từ trước đến nay rất hạn chế, “cha chung không ai khóc”. Ngoài ra, sự phối hợp liên ngành kiểm tra, xử lý giữa các lực lượng cũng không được tiến hành thường xuyên, nhịp nhàng, tạo “kẽ hở” cho các doanh nghiệp chây ì. Thêm một khía cạnh nữa, hầu hết lãnh đạo các bến xe đều bày tỏ việc thiếu chế tài xử lý hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp, nhà xe phớt lờ việc tuân thủ quy định.

Cần sớm có chế tài xử phạt nghiêm

Hàng ngày ở mỗi bến xe đều có hàng ngàn lượt xe ra vào, trên đường phố taxi vẫn hoạt động như mắc cửi, nhưng gần như chẳng có xe nào dán niêm yết. Nhiều lái xe đã biết có quy định nhưng đều khẳng định là không biết Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT hoặc biết nhưng chưa… có thời gian để dán niêm yết trên xe. Thậm chí có lái xe còn lý giải: Dán niêm yết giá thì rất đơn giản, nhưng vì thấy nhiều xe chẳng có niêm yết cũng chẳng bị xử phạt, nên không dán. Thực tế này cho thấy việc phớt lờ các quy định của thông tư trên đã trở nên ngang nhiên, đang cần được siết chặt.

Tìm hiểu việc doanh nghiệp, nhà xe phớt lờ thông tư, Phó Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội Nguyễn Công Bằng thừa nhận, hiện tại, hầu hết các xe khách hoạt động tại các bến do công ty quản lý đều chưa thực hiện quy định này. Để thực hiện nghiêm chủ trương của liên Bộ GTVT-Tài chính, công ty đang lên kế hoạch kiểm tra, yêu cầu chủ xe thực hiện đúng quy định trong thời gian sớm nhất. Nếu xe nào không chịu niêm yết giá ở ngoài thành xe, thì công ty sẽ không cấp lệnh ra, vào bến cho xe đó.

Trước Thông tư liên tịch số 129, cũng đã có nhiều quy định về niêm yết giá vé xe, nhưng cũng không được các doanh nghiệp và chủ phương tiện thực hiện nghiêm túc, mà nguyên nhân dẫn đến việc những quy định này có cũng như không là do phía thanh tra của ngành tài chính hầu như chưa kiểm tra, xử phạt. Theo ý kiến nhiều chuyên ngành GTVT, việc bắt buộc niêm yết giá theo thông tư này vừa có tác dụng nhận dạng “xe dù”, vừa tăng tính minh bạch trong kinh doanh vận tải hành khách, ngăn chặn nạn bắt chẹt khách; đồng thời hạn chế được tình trạng "loạn" giá cước vận tải bằng xe ô tô đang diễn ra lâu nay.

Không chỉ có hành khách bị thiệt hại, mà bản thân các cơ quan quản lý vận tải cũng “đau đầu” về tình trạng xe khách, taxi tùy tiện tăng giá vé, nhất là khi nhiều dịp lễ, Tết đang đến gần. Việc liên Bộ GTVT-Tài chính ban hành thông tư trên với mục đích sớm đưa dịch vụ vận tải hành khách bằng xe khách, taxi vào nền nếp từ hoạt động đến giá cước, nhằm bảo vệ người tiêu dùng, đã được cơ quan quản lý cơ sở và người dân rất ủng hộ. Nhưng thiết nghĩ, nếu không sớm có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, thì việc siết chặt tình trạng “lập lờ đánh lận con đen” như trên chắc sẽ còn là câu chuyện dài kỳ, không có hồi kết.

Nguyên Vũ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN