Trường Sa nở hoa tổ ấm gia đình

Giữa ngàn khơi đầy nắng và gió, 21 ngôi nhà hạnh phúc của 21 cặp vợ chồng đang sinh sống trên đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn và Song Tử Tây, không chỉ minh chứng cho sự sinh tồn của một thị tứ, nơi ươm mầm những chiến sĩ hải quân nhí, mà còn là sự tiếp nối thế hệ cho công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc giữa Biển Đông. Những phụ nữ theo chồng ra đảo Trường Sa lập nghiệp khẳng định, họ hoàn toàn có thể sinh sống và vững vàng cầm súng nơi tuyến đầu Tổ quốc.


Bóng hồng nơi quần đảo bão tố


Những ai đã đặt chân đến Trường Sa, ngoài gặp gỡ những chiến sĩ kiên cường nơi tuyến đầu sóng gió, còn không thể không đến những ngôi nhà hạnh phúc của các gia đình đang sinh sống trên đảo. Luôn đầy ắp tiếng cười và ấm hơi người là cảm giác đầu tiên khi bước chân vào căn nhà hạnh phúc của cô giáo Bùi Thị Nhung ở đảo Trường Sa Lớn. Cô giáo Nhung có chồng là nhân viên cấp dưỡng ở đảo. Việc cô ra đây dạy chữ cho các em học sinh không chỉ góp công sức của cô dạy các em con chữ ở nơi gian khó này, mà còn chứng minh một điều, những “bóng hồng” cũng sẵn sàng làm nhiệm vụ ở nơi đầu sóng khi Tổ quốc cần chứ không chỉ giới “mày râu”.
Bắt đầu từ năm 2005, Trường Sa được thiết kế xây dựng theo mô hình thị tứ, là trung tâm kinh tế xã hội đặc biệt trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc. Song song với xây dựng đảo theo chủ trương “kiên cố, vững chắc, lâu bền”, Quân chủng Hải quân chú trọng đến xây dựng làng quân nhân, trong đó những “tổ ấm” hạnh phúc được quan tâm đặc biệt. Đầu năm 2008, lần đầu tiên 21 cặp vợ chồng ở huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa xung phong ra đảo Trường Sa sinh sống theo diện “dân sự hóa chính sách trên đảo”. 21 hộ dân ấy được phân đều cho 3 đảo là Trường Sa Lớn, Sinh Tồn và Song Tử Tây. Mỗi dãy nhà hạnh phúc có bảy “tổ ấm”.

Đại tá Trương Công Thế, bế bé gái con chị Nguyễn Thị Thúy - công dân chào đời đầu tiên tại đảo.


Ở đảo Trường Sa Lớn có 7 cặp vợ chồng và 10 đứa trẻ. Mỗi cặp vợ chồng sống trong một “tổ ấm” trong “dãy tổ ấm” hướng ra biển. Mỗi “tổ ấm” rộng 100 m2, có phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp và công trình phụ. Phía trước là khoảng vườn nhỏ để trồng rau, nhà nào cũng có cổng xây, mái ngói. Cô giáo Bùi Thị Nhung luôn nở nụ cười trên môi kể cho chúng tôi nghe ngày đầu tiên đặt chân đến “vùng biển bão tố” này. “Vợ chồng em đến Trường Sa sinh sống đầu năm 2008. Nói sao hết những khó khăn, nhất là chưa quen với thời tiết nắng gió ở đảo. Căn nhà này là đảo xây cho đấy, cũng khang trang như đất liền. Khi mới ra, con gái cứ nhớ các bạn và ông bà nội ở đất liền, có bữa nó thơ thẩn dưới gốc bàng nhìn về chân trời, nhìn mà thương con lắm. Lúc ấy em lại động viên cháu noi gương các chú bộ đội. Sống dần cũng quen. Từ ngày có điện bằng nguồn pin năng lượng mặt trời, cuộc sống được cải thiện rất nhiều. Bảo vệ đảo Trường Sa đâu chỉ có giới mày râu”.

“Tổ ấm” nơi đầu sóng


Trường Sa gọi là “quần đảo bão tố”. Một năm quân bình có 20 cơn bão đi qua đây hoặc hình thành tại vùng biển này. 21 hộ dân sống được lính trẻ ở 3 đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây gọi là “tổ ấm nơi đầu sóng”. Công việc hằng ngày của các “tổ ấm” này là khai thác đánh bắt hải sản, tăng gia sản xuất sinh sống. Mặc dù luôn phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt nhưng các “tổ ấm” luôn đầy ắp niềm vui. Tiếng trẻ bi bô, cười khúc khích và ê a học chữ của trẻ thơ làm xua tan bao nhọc nhằn sau một ngày quăng chài thả lưới. Chị Nguyễn Thị Hạnh cùng chồng là Võ Văn Trường ở đảo Trường Sa Lớn tâm sự “Khó có thể nói hết những khó khăn gian khổ ngày đầu ra đảo, nhưng rồi cứ nghĩ đến các anh bộ đội đang ngày đêm vững vàng tay súng và chồng con luôn bên cạnh, mình lại thấy yên lòng hơn. Niềm vui nhất của vợ chồng em sau ngày lao động mệt nhọc là được trở về căn nhà thân yêu của mình. Đây chính là điểm tựa để gạt bỏ bao ưu phiền, nỗi nhớ đất liền cũng vơi đi phần nào”.

Tổ ấm của gia đình anh Bùi Văn Khải ở đảo Sinh Tồn bên vợ và hai con có tên là Quốc và Kỳ.


Trong 7 cặp vợ chồng đang sinh sống ở đảo Trường Sa Lớn thì có tới 6 cặp làm nghề chài lưới. Riêng cặp vợ chồng cô giáo Bùi Thị Nhung cùng chồng là Đặng Thanh Chương làm “trái nghề” so với những gia đình khác. Cô giáo Nhung kể, vợ chồng chị ra đảo sinh sống rất tình cờ. Một buổi chiều đi dạy học về, nghe trên loa truyền thanh xã thông báo về việc đi đảo Trường Sa lập nghiệp theo diện chính sách “Dân sự hóa công dân đảo Trường Sa”, chị đã về bàn bạc với chồng ra Trường Sa lập nghiệp. “Được chồng ủng hộ, gia đình hai bên nội ngoại cũng ủng hộ, em đăng ký luôn, vậy là đi. Hôm chia tay ở cảng Cam Ranh, ông bà hai bên nội ngoại khóc, cứ tưởng lúc ấy không đi được vì thương mẹ quá, lại nhớ đất liền nữa, nhưng đã quyết rồi. Chồng em là công nhân lái xe tải ra đây làm cấp dưỡng cho bộ đội. Niềm vui nhất của em sau những giờ lên lớp là được trở về căn nhà của mình. Đây thực sự là tổ ấm vơi đi bao nhọc nhằn và nỗi nhớ đất liền, nhất là những ngày dông bão”.


Ngày 4/4/2011, lần đầu tiên đảo Trường Sa chào đón công dân “nhí” đầu tiên chào đời. Công dân “nhí” ấy là bé gái con chị Nguyễn Thị Thúy hiện ở đảo Song Tử Tây. Việc bé gái ra đời ở Trường Sa là kết quả “mặn nồng” của các “tổ ấm”. Rồi đây, đảo quần đảo Trường Sa không chỉ có 21 hộ gia đình mà còn có nhiều “tổ ấm” mới sẽ được xây dựng trên quần đảo này. Hôm chúng tôi đến đảo Song Tử Tây, chị Nguyễn Thị Thúy bế con gái trên tay không giấu được niềm vui: “Cục cưng của em đấy các bác ạ. Trường Sa sẽ có những chiến sĩ nhí kiên cường cùng với các chú bộ đội bảo vệ đảo”. Đại tá Trương Công Thế, Phó Chính ủy Vùng 2 hải quân, bế em bé trên tay nói với đoàn công tác: “Việc em bé chào đời giữa ngàn trùng sóng nước không chỉ là qui luật sinh tồn của những công dân trên đảo, mà còn thể hiện sự tiếp nối cuộc sống của thế hệ người Việt trong bảo vệ giữ gìn quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đứa bé này sẽ được nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc, yêu biển đảo ngay từ lúc lọt lòng mẹ. Rồi đây sẽ có những em bé khác ra đời tại Trường Sa. Đảo Trường Sa sẽ có nhiều chiến sĩ hải quân “nhí” lớn lên từ hòn đảo thân yêu này”…


Bên cạnh những “tổ ấm” cho những gia đình đang sinh sống tại đảo, còn có những “tổ ấm” giành riêng cho các cặp vợ chồng quân nhân gặp nhau vào mùa biển lặng tháng 4 hằng năm. Nhiều người vợ trẻ vượt sóng từ đất liền ra thăm chồng đã được ở trong “tổ ấm” ấy. Sau lần “ông ngâu bà ngâu” gặp nhau giữa Trường Sa, người vợ trẻ đã “tuyển được quân” trở về đất liền trong niềm vui khấp khởi. Cũng có chị vợ năm trước ra thăm chồng để “tuyển quân”, lần ra thăm sau hai năm, chị đem theo “chiến sĩ hải quân nhí” cho bố con gặp nhau…


Ngày nay giữa Trường Sa đầy nắng và gió, 21 công dân nữ với tư cách là “nữ chiến sĩ Trường Sa” thực sự là những bông hoa góp phần quan trọng trong việc xây tổ ấm hạnh phúc bền lâu, là điểm tựa vững chắc trong mỗi “tổ ấm”gia đình trên đảo.


Bài và ảnh:Mai Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN