Triều cường nhận chìm Cần Thơ, TP. HCM

Do nước lũ từ thượng nguồn sông Hậu đổ về kết hợp với triều cường trên sông Hậu dâng cao, chiều tối 21/10, hàng chục tuyến đường ở quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, thành phố Cần Thơ tiếp tục ngập sâu trong biển nước.

Tuyến đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức bị ngập do triều cường. Ảnh: TTXVN


Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, mực nước ngày 21/10 trên sông Hậu (Cần Thơ) có khả năng lên mức từ 2,15 - 2,2 mét, trên mức báo động 3 từ 0,25 - 0,3 mét. Do nước lũ và triều cường dâng cao, hàng loạt tuyến đường trung tâm các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng bị ngập nặng, có nơi ngập sâu hơn 0,5 mét, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân. Tại Quận Ninh Kiều, khu vực bị ngập nặng nhất là Trung tâm thương mại Cái Khế và khu vực Bến Ninh Kiều; nước ngập sâu ở hai khu vực này khiến công việc làm ăn, mua bán và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

Do nước ngập sâu, nhiều ki-ốt bán hàng của các tiểu thương ở Trung tâm thương mại Cái Khế phải đóng cửa sớm. Các tuyến đường như Đại Lộ Hòa Bình, Hai Bà Trưng; giao lộ ngã tư đường 3/2 - quốc lộ 91B và giao lộ đường Mậu Thân - Võ Văn Kiệt… nước ngập sâu làm hàng loạt xe máy của người dân lưu thông trên đường bị chết máy, gây ách tắc giao thông cục bộ.

Tại các điểm giao nhau như: Quốc lộ 91B, đường 3/2 (Quận Ninh Kiều), ngã ba khu công nghiệp Trà Nóc (quận Bình Thủy) do nước ngập sâu đúng vào giờ tan trường, tan ca của học sinh, sinh viên và công nhân… nên giao thông tại các tuyến bị ùn tắc cục bộ kéo dài. Lực lượng cảnh sát giao thông, công an quận Ninh Kiều, Bình Thủy phải có mặt trực tiếp phân luồng, điều tiết giao thông tại các tuyến đường trên.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ, đây là đợt triều cường lớn nhất trong năm. Trong vài ngày qua, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ cũng đã tổ chức kiểm tra và gia cố các đê, kè xung yếu đang bị đe dọa bởi lũ đầu nguồn và triều cường tại các quận Cái Răng, Bình Thủy, Ninh Kiều.

Ngành chức năng Cần Thơ khuyến cáo, triều cường còn duy trì ở mức cao và kéo dài trong vài ngày tới, người dân cần chủ động trong việc đi lại, tránh thời điểm nước dâng cao nhằm hạn chế thiệt hại cho bản thân và gia đình.

Người dân TP. Hồ Chí Minh tiếp tục “vận lộn” với triều cường


Dù đã phải trải qua hai ngày liên tiếp chống chọi với triều cường lên cao, chiều tối 21/10, người dân TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục phải “vận lộn” với triều cường với mức đỉnh lên tới 1,65 m. Do triều cường lên cao kết hợp với mưa lớn vào đầu giờ chiều, nhiều tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn các quận 8, quận 6, quận 2, quận Thủ Đức, Bình Thạnh… ngập sâu trong nước.

Một số điểm như tại đường Lương Định Của, quận 2 (đoạn gần cầu Thủ Thiêm), đường Kha Vạn Cân và các khu dân cư thuộc phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đã bị ngập nặng. Trên đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn gần cầu Phú Xuân) huyện Nhà Bè; Mễ Cốc, Lưu Hữu Phước, Phạm Thế Hiển, Đào Mộc Cam, đường 16, Quốc lộ 50, Bến Phú Định và nhiều tuyến đường xung quanh khu vực chợ Phạm Thế Hiển… thuộc Quận 8, nước ngập sâu từ 0,3 đến 0,5m khiến các phương tiện đi lại khó khăn.

Trong khi đó, nhiều tuyến đường thuộc quận Bình Thạnh như Nguyễn Xí, Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm, Bùi Hữu Nghĩa, khu dân cư thuộc các phường 22, 26, bán Đảo Thanh Đa; các tuyến đường Hùng Vương, Tân Hòa Đông, Đặng Nguyên Cẩn (quận 6); Tân Hóa (quận Tân Phú) ... cũng phải chịu cảnh ngập nước kéo dài nhiều giờ.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP. Hồ Chí Minh, với mực nước đỉnh triều lên cao như những ngày qua (từ 1,58 - 1,68m), trên địa bàn thành phố có trên 16 tuyến đường trong nội đô của thành phố bị ngập và nhiều tuyến đê bao ở ngoại thành bị nước tràn bờ bao. Trong đó, có một số điểm ngập do ảnh hưởng dẫn dòng thi công dự án Nâng cấp đô thị - lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm, cải tạo rạch Ba Bột (Thủ Đức)...

Triều cường lên cao đã làm cho cuộc sống hàng ngày của nhiều người dân bị đảo lộn, đi lại khó khăn, buôn bán ế ẩm. Nhiều hộ dân phải di cư đến nhà người thân để tránh nước lên, chuẩn bị bao cát để đắp đê chắn nước tràn vào nhà.

Cám cảnh trước cảnh nước tràn ngập nhiều ngày qua, bà Nguyễn Thị Tám, bán tạp hóa ở đường 16, phường 4, quận 8, cho biết: Nước ngập nên việc buốn bán cũng ế ẩm hơn, nhất là triều cường đều rơi vào buổi chiều tối nhiều người tan sở về gặp nước ngập cũng ngại ghé mua đồ hơn. Hy vọng ít bữa nữa hết ngập buôn bán khá hơn.

Cũng chịu cảnh nước ngập trong nhiều ngày qua, ông Văn Anh Ngọc, nhà ở bến Phú Định, phường 16, quận 8, ngao ngán: Hai ba ngày nay, cứ sáng sớm và chiều tối cả nhà tôi lại phải lo ngăn cho nước tràn vào nhà, lo kê đồ đặc lên cao để không bị ngấm nước. Nhiều bao tải cát, thau chậu đều được huy động để tát nước ra ngoài.

Phương tiện của người dân bị chết máy vì triều cường. Ảnh: TTXVN


Đánh giá về diễn biến của đợt triều cường giữa tháng 10/2013 này, ông Lê Thanh Liêm, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm cứu cứu nạn TP. Hồ Chí Minh, cho rằng: Đây là đợt triều cường cao, diễn biến phức tạp. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, mực nước đỉnh triều cường thực đo tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn đều vượt mức báo động III (1,50m) và cao hơn đỉnh triều của năm 2012 là 1,62m, đạt mức cao nhất trong chuỗi số liệu từ năm 1961.

Nhận định về tình trạng triều cường ngày càng lên cao trên hệ thống sông, kênh rạch TP. Hồ Chí Minh, thạc sỹ Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo thời tiết, Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ, cho rằng: Nguyên nhân khiến triều cường trong những ngày qua tại khu vực TP. Hồ Chí Minh tăng cao bất ngờ nằm ngoài mức dự báo là do kết hợp nhiều yếu tố gồm xả lũ từ các hồ trên thượng nguồn, nước biển dâng cao cộng với yếu tố đới gió lệch đông làm đẩy nước vào các cửa sông nhiều hơn. Mặt khác, đúng vào những thời điểm triều cường cao (thường buổi tối) tại thành phố lại xảy ra mưa to nên càng làm đỉnh triều cao hơn, từ đó gây ngập nặng nhiều nơi.

Là người theo dõi hiện tượng triều cường trong nhiều năm, theo bà Lê Thị Xuân Lan, vấn đề chính khiến triều cường thường xuyên lập các đỉnh kỷ lục mới là do tác động của biển đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ ràng hơn. Qua theo dõi tình hình triều cường từ năm 2006 đến nay cho thấy, mức triều cường tại khu vực TP. Hồ Chí Minh năm sau luôn cao hơn năm trước.

Cụ thể năm 2006, đỉnh triều đạt 1,44m, năm 2007 đạt 1,49m, năm 2008 đạt 1,55m, năm 2009 đạt 1,56m, năm 2011 đạt 1,59m và vào tháng 10/2012 đạt đỉnh 1,62m. Điều này cũng giải thích đỉnh triều vào tối 20/10/2013 đạt 1,68m không phải điều gì đó ngẫu nhiên hay bất thường mà nó nằm trong quy luật "triều cường càng ngày càng cao".

Bà Lê Thị Xuân Lan, cho rằng: Theo quy luật, triều cường thường đạt đỉnh cao nhất vào tháng 11 hoặc tháng 12 trong năm. Do vậy, mức đỉnh triều 1,68m xảy ra tối 20/10 vừa qua chưa hẳn đã là đỉnh triều cao nhất của năm nay. Theo bà, trong các đợt triều cường sắp tới diễn ra vào tháng 11 và 12/2013, đỉnh triều có thể xấp xỉ hoặc còn cao hơn mức 1,68m.

Điều này cũng cảnh báo các nhà quản lý khi lập các dự án xây dựng hệ thống thoát nước, chống ngập cần phải tính toán thiết kế khả năng thoát nước cho phù hợp với tính dự báo mang tính dài hạn cho tương lai 15 - 20 năm.


Thanh Sang - Hoàng Anh Tuấn
Người dân Bình Dương khốn đốn vì triều cường
Người dân Bình Dương khốn đốn vì triều cường

Từ mấy ngày nay, cuộc sống của người dân sống ven sông Sài Gòn thuộc các phường Phú Thọ, Chánh Nghĩa của thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) bị đảo lộn vì triều cường đạt đỉnh gây ngập sâu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN