Đối với người dùng trên mạng, việc up 2 ảnh để so sánh chỉ mang thuần tính giải trí về xem sự thay đổi bề ngoài, thậm chí là hình thức câu like. Nhưng đối với các công ty cung cấp ứng dụng, dịch vụ như Facebook, thậm chí là quảng cáo, marketing thì đây là kho dữ liệu kiếm bộn tiền.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoài, Giám đốc Học viện AI Việt Nam cho rằng: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo như nhận diện khuôn mặti… đang được ứng dụng ngày càng khá phổ biến. Để có độ chính xác thì càng cần nhiều nguồn dữ liệu để phân tích, chọn lọc. Do đó việc quản trị dữ liệu, nhất là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, người dùng cần phải được quan tâm.
Còn theo nhiều chuyên gia công nghệ thông tin, việc ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt đang trên đà phát triển, nên việc so sánh ảnh 10 năm đang được đánh giá là việc lấy dữ liệu cá nhân để tích hợp phân tích, qua đó khiến nhiều người lo ngại về về an ninh, bảo mật an ninh cá nhân.
Thực tế trào lưu ảnh không phải là mới và được xáo lại để tạo nguồn dữ liệu cho các mạng xã hội phân tích ảnh. Thực tế trào lưu này đã xuất hiện gần đây nhất là trào lưu so sánh #2008 - 2018 và #2006 -2016.
Do đó, trào lưu thách thức 10 năm là một hình thức ứng dụng bề ngoài mang tính chất giải trí để kích thích người dùng tự nguyện chia sẻ các thông tin cá nhân mà không vướng phải vấn đề pháp lý.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, giám đốc Công ty an ninh mạng CyRadar, người dùng đang tự nguyện cung cấp ảnh chân dung cách nhau 10 năm và các thông tin khác đi kèm. Người dùng đã cung cấp thông tin chính xác cho các công ty công nghệ. Những thông tin này có thể phục vụ các thuật toán nhận dạng khuôn mặt, dự đoán lứa tuổi qua ảnh, thậm chí có thể dự đoán được khuôn mặt của bạn sẽ ra sao trong tương lai... Tỷ lệ dự đoán này sẽ càng chính xác do dữ liệu “đầu vào” phong phú để phân tích.
Bên cạnh đó, không chỉ các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội hưởng lợi, việc gắn hashtag (và đang để chế độ mở cho mọi người xem được) còn giúp nhiều kẻ khác lợi dụng các mạng xã hội để âm thầm thu thập các dữ liệu trên.
Hiện có rất nhiều phần mềm có thể “ký sinh” để khai thác thông tin để chế độ mở này. Thậm chí người dùng gõ từ khóa nào trên mạng intetnet, nhất là sản phẩm dịch vụ thì ngay trên mạng xã hội có sự liên kết để hiện thị các quảng cáo hiện thị ngay trên trang chủ. Điều này giúp quảng cáo, marketing hướng tới đối tượng sử dụng chính xác, tới đúng đối tượng mục tiêu.
“Có một thực tế là các nhà mạng xã hội đang âm thầm khai thác dữ liệu của người dùng, trong đó có Việt Nam. Khi các doanh nghiệp nào muốn thâm nhập thị trường đều phải bỏ tiền để mua lại nguồn dữ liệu này. Nếu quảng cáo theo phương thức cũ thì xác suất tới đối tượng đích chỉ khoảng 30%. Nhưng khi có nguồn dữ liệu này, tỷ lệ đến thẳng đối tượng đích rất cao và sẽ tiết kiệm nhiều chi phí”, ông Nguyễn Xuân Hoài phân tích.
Trước cảnh báo của truyền thông, chuyên gia công nghệ, Facebook đăng dòng tweet cho rằng mạng xã hội lớn nhất thế giới không hề thao túng người dùng hay đứng đằng sau trào lưu đăng ảnh 10 năm về trước. Mạng xã hội nhận xét trào lưu trên hoàn toàn vô hại và sẽ lụi tàn như những hiện tượng mạng khác.
"Thử thách đăng ảnh so sánh 10 năm trước với hiện tại là do người dùng tự khởi tạo. Chúng tôi hoàn toàn không can thiệp. Trào lưu là bằng chứng cho thấy người dùng vẫn vui vẻ khi sử dụng dịch vụ của Facebook", Facebook đăng trên trang Twitter chính thức.
"Facebook không hề thu lợi gì từ chiến dịch mạng này cả. Người dùng có thể chọn bật/tắt tính năng nhận diện khuôn mặt bất kỳ lúc nào", phát ngôn viên của Facebook cho biết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia bảo mật, với việc đăng ảnh công khai như hiện nay, việc bị thu thập dữ liệu là điều không tránh khỏi. Để tránh các chiêu thức thu nhập dữ liệu không chính thống, người dùng nên cân nhắc trước khi đăng các thông tin cá nhân của mình lên mạng. Các ứng dụng trên mạng xã hội khi truy cập đều có tính năng ngầm có thể truy cập vào được nhiều thông tin cá nhân.