Nhớ lại khoảnh khắc vụ tai nạn xảy ra, anh Nguyễn Văn Hiếu (thuyền viên làm việc trên boong) vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh kể, khi nghe tiếng nổ, anh vội chạy vào buồng lái. Trong buồng lái khi đó cũng có một thuyền viên người Việt đang ẩn náu. Đợi tình hình tạm yên, anh tìm cách xuống cầu cảng, rồi mượn được một chiếc điện thoại và nhắn tin báo về cho gia đình là vẫn còn sống. Trong khi đó, thuyền viên ẩn náu cùng anh trong buồng lái lại tìm cách thoát thân về hướng khác. Sau này, anh Hiếu mới biết, thuyền viên đó đã thiệt mạng vì khí độc.
Anh Dũng cho biết, thời gian nằm theo dõi ở bệnh viện nước bạn, 7 anh em thuyền viên đã nhận được điện thoại thăm hỏi, động viên của đại diện Đại sứ quán Saudi Arabia kiêm nhiệm Jordan. “Thời gian nằm theo dõi sức khỏe ở viện, anh em tôi không ai có điện thoại di động vì đã vứt lại hết ở thuyền để chạy khỏi khu vực có khí độc. Ở nơi đất khách quê người, chỉ cần được nghe một câu nói, một lời an ủi của đồng hương đã là sự động viên rất lớn đối với mình. Thế nên, nhận được điện thoại của chú Dũng (Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia kiêm nhiệm Jordan Đặng Xuân Dũng - PV), chị Huyền, anh Khôi (cán bộ Đại sứ quán) qua điện thoại bàn của bệnh viện, chúng tôi mừng lắm, tinh thần anh em phấn khởi hẳn”, anh Dũng nhớ lại.
Theo ông Trần Minh Khôi, Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Saudi Arabia kiêm nhiệm Jordan, ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán đã thông báo cho Bộ Ngoại giao và liên hệ tới các đơn vị liên quan trong nước để xác minh nhân thân 12 thuyền viên. Cùng đó, Đại sứ quán hỗ trợ các thủ tục giấy tờ, phối hợp với phía bạn để cấp nhanh thị thực cho đại diện công ty Việt Nam có thuyền viên sang Jordan làm các thủ tục hậu sự và hỗ trợ các thuyền viên bị thương.
Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia kiêm nhiệm Jordan Đặng Xuân Dũng cho biết, do địa bàn Jordan là khu vực kiêm nhiệm của Đại sứ quán nên công tác tiếp cận thông tin và hỗ trợ công dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Đại sứ quán đã tìm được cách liên hệ với các thuyền viên qua điện thoại cố định của bệnh viện, nơi họ đang điều trị. Trao đổi với anh Nguyễn Tiến Dũng, nắm được tình hình sức khỏe của các thuyền viên, Đại sứ lập tức chỉ đạo các cán bộ Đại sứ quán hỗ trợ hết mình cho 7 công dân bị thương theo nguyện vọng chính đáng của họ và gia đình, cũng như tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định để đưa thi hài 5 công dân thiệt mạng về nước.
Trong một động thái ở cấp cao hơn, chiều 29/6, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Kiều dân Jordan Ayman Al-Safadi liên quan đến vụ nổ khí độc tại cảng Aqaba.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn Bộ Ngoại giao và Kiều dân, các cơ quan chức năng của Jordan đã nhanh chóng thông tin về 5 công dân Việt Nam bị tử vong, đồng thời quan tâm cứu chữa các công dân Việt Nam khác bị thương trong vụ việc này. Bộ trưởng cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng Jordan đẩy nhanh quá trình điều tra nguyên nhân vụ việc, hướng dẫn xử lý các thủ tục hậu sự đối với các nạn nhân bị tử vong; đề nghị phía Jordan hỗ trợ Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabai kiêm nhiệm Jordan trong công tác bảo hộ, giúp đỡ các công dân gặp nạn.
Theo anh Nguyễn Tiến Dũng, đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực phối hợp với chủ sử dụng lao động để kịp thời lo thủ tục đưa 7 thuyền viên bị thương và 5 thuyền viên đã mất về nước. Nhờ có sự hỗ trợ của đại diện phía Việt Nam, ngày 8/7, anh Dũng cùng 6 anh em thuyền viên khác đã được về nước an toàn. Một ngày ngay sau đó, thi hài của 5 thuyền viên tử vong cũng được đưa về nước và được gia đình tiếp nhận tại sân bay Nội Bài.
Cảm kích trước sự hỗ trợ kịp thời từ phía các cơ quan đại diện Việt Nam sở tại, đơn vị phái cử lao động đã gửi thư cảm ơn tới Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia kiêm nhiệm Jordan và một số đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao. Bức thư có đoạn viết: “Đối với địa bàn Trung Đông khó khăn, đặc biệt không có cơ quan thường trú tại Jordan, mà trong thời gian rất ngắn Bộ Ngoại giao đã thực hiện bảo hộ công dân xuất sắc và thành công ngoài sự mong đợi của công ty và gia đình thuyền viên. Chúng tôi đã dự kiến phải 2 - 3 tháng như các địa bàn khác mới xong thủ tục. Theo cảm nhận của chúng tôi, ngoài trách nhiệm trong công việc còn là tình người cao cả của lãnh đạo Bộ, cán bộ bảo hộ công dân và các đơn vị của Bộ Ngoại giao trong thực thi công vụ. Ngày hôm nay, tất cả thuyền viên may mắn đã được trở về nước an toàn, còn những thuyền viên không may mắn cũng được trở về với gia đình, yên nghỉ nơi đất mẹ quê nhà, phù hợp với truyền thống của người Việt Nam”.
Hiện tại, sức khỏe của cả 7 thuyền viên đã ổn định. Anh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, sau khi ổn định tâm lý và hoàn thành các chế độ, anh sẽ trở lại công việc thuyền viên.
Coi việc sống sót sau vụ tai nạn như một kỳ tích, anh Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, giờ đây được về với gia đình và cô con gái hơn 2 tuổi là điều hạnh phúc nhất của anh. Theo anh, việc trước mắt của 7 thuyền viên may mắn sống sót trở về là tìm đến thăm hỏi, động viên gia đình 5 đồng nghiệp tử vong. Đây cũng là một cách an ủi cho chính những người còn sống trở về quê hương như anh Dũng.
Với 7 anh em thuyền viên, đó là cuộc trở về đầy may mắn, thấm đẫm tình người và trách nhiệm. Sự may mắn đó, như họ tự nhận, là sự “tái sinh”.