TPHCM nâng cao hiệu quả hoạt động của xe buýt

TP.HCM đang thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông, trong đó, việc sắp xếp và phát triển lại mạng lưới xe buýt là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên để xe buýt hoạt động hiệu quả, còn rất nhiều việc phải làm.

Phí nhiều, thu chẳng bao nhiêu


Chi phí trợ giá tăng cao, chất lượng phục vụ xuống cấp đang là những bài toán nan giải trong chiến lược phát triển xe buýt TP.HCM trong những năm tới. Theo Trung tâm Vận tải hành khách công cộng (TTVTHKCC) năm 2011, TP trợ giá cho xe buýt 1.269 tỉ đồng (tăng 49% so với năm 2010) và dự kiến năm 2012 tăng lên 1.500 tỉ đồng. Chi phí trợ giá tăng gần 50%, trong khi chỉ tăng được 10% số lượng hành khách, chứng tỏ tính hiệu quả của xe buýt vẫn chưa cao.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu tiếp tục tình trạng này, để tăng lên 25% hành khách đi xe buýt thì tiền trợ giá xe buýt tới đây có thể sẽ lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Tại các cuộc họp HĐND, các đại biểu cũng đã đề nghị TP nên thay đổi phương thức trợ giá xe buýt nếu không hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Trần Quang Phượng - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, giải thích việc trợ giá xe buýt năm nay tăng chủ yếu do việc điều chỉnh giá nhiên liệu trong năm 2011 lên đến 5 lần và tăng tiền lương công nhân. Hai yếu tố này cấu thành vào đơn giá chi phí xe buýt rất lớn. Ông cho rằng, xe buýt vẫn là phương tiện được nhiều người lao động, học sinh, sinh viên sử dụng nên cần thiết duy trì trợ giá xe buýt. Hiện ngành giao thông TP cũng luôn tìm cách cải tiến và hợp lý hóa hệ thống xe buýt, từ bố trí xe đến luồng tuyến, đồng thời cắt giảm nhiều luồng tuyến không hiệu quả.

Xe buýt khó đáp ứng được nhu cầu của người dân thành phố vì ùn tắc giao thông.


Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại là chất lượng xe buýt đang xuống cấp trầm trọng. Ông Phùng Đăng Hải - Tổng Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã (HTX) Vận tải TP.HCM (đơn vị có gần 1/3 tổng số xe buýt trên địa bàn TP.HCM), thừa nhận: “Hầu hết số xe buýt hoạt động trên địa bàn TP.HCM hiện “tuổi thọ” gần chục năm, nên cần phải đại tu. Tình trạng xuống cấp của xe thường gặp trên các tuyến xe buýt như: Bến xe Miền Đông - Miền Tây, Chợ Lớn - Miền Đông, Sài Gòn - Thới An, Sài Gòn - Nhà Bè, Bình Khánh - Cần Giờ…”. Đơn vị của ông Hải có hơn 800 xe buýt, hiện có gần 20% số xe cần phải đại tu toàn bộ hệ thống máy lạnh, màu sơn, ghế ngồi, máy móc.

Vẫn ưu tiên xe buýt


TTVTHKCC cho biết, năm qua, tổng khối lượng VTHKCC đạt 552,1 triệu lượt hành khách (HK), đáp ứng 10% nhu cầu đi lại của người dân TP (tương đương 1.512.732 lượt HK/ngày), tăng 1% so với năm 2010 và vượt 1,5% so với kế hoạch năm 2011 là 544 triệu lượt HK. Để nâng cao hiệu quả hoạt động xe buýt, năm nay TP.HCM chính thức triển khai công tác giám sát hoạt động xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình (GPS). Đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ KHKT vào quản lý và điều hành hoạt động VTHKCC bằng xe buýt (Smart Card, thùng bán vé tự động, GIS, tin học...), tăng cường tuyên truyền hoạt động xe buýt, trả lời điện thoại nóng, phát hành sổ tay chỉ dẫn về xe buýt, in sơ đồ xe buýt phát miễn phí cho hành khách...

Theo ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT TP.HCM), TP tiếp tục hoàn thiện việc quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2025. Cụ thể: TP sắp xếp lại mạng lưới tuyến, điều chỉnh một số lộ trình trùng lắp, xác lập biểu đồ hoạt động và điều chỉnh chủng loại phương tiện cho phù hợp với thực tiễn luồng hành khách từng tuyến để đáp ứng nhu cầu của hành khách, từ đó giảm dần các phương tiện xe cá nhân, xe taxi. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ triển khai xây dựng các đầu mối trung chuyển xe buýt tại Đầm Sen, Ngã Ba Giồng, ngã tư Tân Quy. Đây là những khu vực cửa ngõ với lưu lượng khách đi lại rất đông vào giờ cao điểm.

Ùn tắc giao thông trong nội thành TP.HCM là rào cản lớn cho phát triển xe buýt. Vì vậy, các cơ quan chức năng đề nghị TP nghiên cứu thực hiện thí điểm một số làn đường dành riêng cho các tuyến xe buýt nhanh và phát triển loại hình xe buýt phục vụ học sinh, công nhân bằng phương tiện phù hợp với từng lộ trình hoạt động chứ không đầu tư tràn lan loại hình xe buýt có sức chở lớn, gây lãng phí như trước đây.

Trong cuộc họp chỉ đạo về Năm An toàn giao thông TP 2012, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM đã khẳng định: Nâng cao hiệu quả hoạt động xe buýt là nhiệm vụ trọng tâm của TP trong Năm An toàn giao thông 2012, trước mắt giai đoạn 2011-2013 tiếp tục triển khai dự án phát triển 1.680 xe buýt; tiếp tục phát động kêu gọi toàn thể cán bộ công chức, viên chức tham gia đi xe buýt, lồng ghép tiêu chí về việc tham gia đi xe buýt khi xây dựng tiêu chí thi đua khen thưởng hàng năm của đơn vị.

Bài và ảnh: Phạm Đăng Giới
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN