Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh khi nói về việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại TP Hồ Chí Minh hiện nay.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, hiện nay, việc xử lý chất thải của thành phố chủ yếu là chôn lấp (chiếm 70 - 80%), chỉ có một phần chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt (nhưng không thu hồi năng lượng) và việc tái chế rác thành phân bón và vật liệu xây dựng còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của thành phố. Do tỉ lệ chôn lấp rác cao nên các hộ dân sống ở gần khu vực bãi chôn lấp thường xuyên bức xúc vì mùi hôi thối, đặc biệt vào mùa mưa, triều cường…
Để giải quyết tình trạng rác thải của thành phố, trong quý 4, TP Hồ Chí Minh sẽ khởi công xây dựng nhà máy mới, áp dụng công nghệ chuyển hóa rác thành điện năng và dự kiến sẽ chính thức vận hành vào tháng 12/2020. Nhằm đáp ứng mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt tại thành phố được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa còn 50%, đến năm 2025 là 20%. Trong năm 2020, các nhà đầu tư sử dụng công nghệ đốt rác thành điện năng sẽ đi vào hoạt động như công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa; công ty cổ phần Vietstar; công ty cổ phần Tassco…
Chia sẻ về những ưu điểm của công nghệ xử lý rác thải chuyển thành điện năng, đại diện các công ty chuyên xử lý rác cho biết, việc áp dụng công nghệ mới, đốt rác để phát điện được ứng dụng khá nhiều tại các nước tiên tiến. Công nghệ này sẽ có một phần điện năng phục vụ cho nhà máy và phần còn lại có thể hòa vào mạng lưới điện quốc gia phục vụ cho người dân; ngoài ra rác còn tạo ra các sản phẩm tái chế như gạch không nung, vật liệu xây dựng… Công nghệ đốt rác phát điện sẽ giúp giảm diện tích đất chôn lấp, tạo năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, ít nước rỉ rác và kiểm soát mùi dễ hơn.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường TP Hồ Chí Minh, năm 2018, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đã thu gom, vận chuyển là 3.007.382 tấn, trung bình 9.231 tấn/ngày, tăng hơn 4% so với năm 2017. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt được xử lý dưới dạng chôn lấp được đưa đến khu Đa Phước và khu Tây Bắc là 2.231.903 tấn, chiếm hơn 72%; số còn lại được tái chế tại công ty cổ phần Vietstar và công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa...