Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khi nói về công tác chống ngập trên địa bàn, khi TP Hồ Chí Minh chuẩn bị bước vào mùa mưa.
Sau cơn mưa ngày 2/5, hầm chui cầu Bình Triệu (Bình Thạnh) mới đưa vào sử dụng đã bị ngập lênh láng. Ảnh: Mạnh Linh |
Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay có khoảng 10 cơn mưa trái mùa nhưng không gây ngập. Riêng cơn mưa mới đây nhất có vũ lượng mưa lớn và kéo dài cũng không ngập các tuyến đường, song một số hầm chui lại ngập nặng. Đó là cơn mưa lớn vào rạng sáng 2/5 làm một số hầm chui dưới cầu Bình Triệu (quận Bình Thạnh), hầm chui cầu Khánh Hội (quận 1) bị ngập lênh láng, nước không thoát kịp.
“Nguyên nhân dẫn tới sự cố ngập nước hầm chui cầu Khánh Hội, Bình Triệu là do tủ điện cấp nguồn để vận hành máy bơm bị phá hoại, dẫn tới máy bơm tự động không hoạt động được. Ngoài ra, một số van ngăn nước cũng bị mất... Vì vậy, trong mùa mưa này, các hầm chui rất cần có hệ thống điện dự phòng để khi có sự cố thì máy bơm vẫn hoạt động và không gây ngập cho các hầm chui như vừa qua”, ông Công cho biết thêm.
Được biết, hầm chui trên mới được thông xe vào ngày 20/4 nhằm xóa điểm kẹt xe ở ngay chân cầu Bình Triệu 1 và 2. Ngoài ra, hầm chui dưới cầu Bình Triệu còn giúp giảm ùn tắc cho khu vực bến xe miền Đông và ngã năm Đài liệt sĩ. Hầm chui này có chiều dài hơn 400 m (trong đó đoạn hầm dưới cầu Bình Triệu 1 và 2 dài hơn 170 m), chiều rộng 7,3 m và chiều cao 2 m. Hầm chui được lưu thông 2 chiều, cấm các loại xe từ 9 chỗ trở lên và xe có tải trọng trên 2,5 tấn. Tương tự với tình trạng “thất thủ” của hầm chui dưới cầu Bình Triệu, hầm chui cầu Khánh Hội nối đường Võ Văn Kiệt với Tôn Đức Thắng (thuộc phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) cũng ngập sâu hơn 0,5 mét, hàng loạt xe chết máy và di chuyển khó khăn trong cơn mưa đầu mùa ngày 2/5 vừa qua.
Liên quan đến công tác chống ngập trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Ngọc Công lo ngại, thời gian gần đây xuất hiện nhiều cơn mưa và triều cường mang tính cực đoan, gây ngập nhiều tuyến đường đang đầu tư. Trường hợp không có những cơn mưa với vũ lượng lớn hoặc triều cường cực đoan sẽ không xuất hiện thêm điểm ngập.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, sắp tới đây thành phố sẽ phấn đấu giảm được 7 điểm ngập từ những dự án mới. Bên cạnh đó, nhằm giảm bớt điểm ngập cố hữu trong thời gian dài cùng các điểm ngập mới, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố đang chỉ đạo các đơn vị tích cực duy tu, sửa chữa… nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để chống ngập.
Tính đến tháng 3, thành phố nạo vét được 309,492km lòng cống thoát nước, duy tu nạo vét 10 tuyến (3,329km) kênh rạch và cửa xả, sửa chữa hầm ga, thay cống bị xuống cấp có khả năng sụp, mở rộng miệng thu nước, nạo vét hầm ga… Ngoài ra, từ đầu năm đến nay tiếp nhận thêm 1 tuyến cống với chiều dài 6,080km, nâng tổng số tuyến cống được tiếp nhận bàn giao lên 327/340 tuyến với tổng chiều dài 617,9km/645,9km tuyến cống trên địa bàn thành phố.
Thành phố đang nghiên cứu thực hiện việc thương thảo ký kết hợp đồng dịch vụ thuê vận hành máy bơm (công suất từ 27.000 m3/h đến 96.000m3/h) của Công ty Quang Trung để giải quyết ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh trong năm 2018.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở ngành cần có kế hoạch và chủ động chống ngập khi mùa mưa đang đến gần. Ảnh: Mạnh Linh |
Mặc dù kết quả của công tác chống ngập thời gian qua cũng có tín hiệu khả quan, song theo nhận định của đại diện UBND Thành phố, công tác xử lý các trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước vẫn còn tương đối chậm, làm tăng áp lực thoát nước lên hệ thống thoát nước thành phố, vốn chưa đáp ứng nhu cầu thoát nước của thành phố, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Để xử lý sớm tình trạng ngập nước khi chuẩn bị vào mùa mưa, ông Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các Sở, ngành liên quan cần chủ động chống ngập khi mùa mưa đang đến gần. Tránh tình trạng ngập liên miên trong thời gian tới gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Theo đó, các cơ quan quản lý liên quan phải đánh giá được nguyên nhân và tác động của ngập nước để tìm ra giải pháp, đặc biệt các giải pháp cần thực hiện đồng bộ.
“Khoảng nửa tháng nữa là đến mùa mưa. Trường hợp mưa kéo dài, lượng nước nhiều cùng với triều cường không tránh khỏi ngập nước trên địa bàn. Vì vậy, các đơn vị liên quan cần chủ động phân tích, dự báo xem triều cường, mưa như thế nào để chủ động chống ngập ngay, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, phải tính đến các giải pháp công trình, phi công trình và triển khai đồng bộ với công tác duy tu, nạo vét kênh, mương nhằm khơi thông dòng chảy khi mưa lớn sẽ thoát nhanh...”, ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ thêm.