TP Hồ Chí Minh kiên quyết tạm dừng hoạt động các doanh nghiệp không đảm bảo phòng chống dịch

Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, để phòng chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, các doanh nghiệp có đông công nhân cần chấp hành nghiêm việc tạm dừng sản xuất nếu không đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp có đông công nhân cần thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Để phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại doanh nghiệp có đông công nhân,  TP Hồ Chí Minh đã ban hành Bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus Corona tại doanh nghiệp từ ngày 6/4. Theo đó, từ ngày 6/4 đến ngày 14/4, đã có 6.292 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tự tiến hành đánh giá theo bộ chỉ số này. Sau khi doanh nghiệp báo cáo kết quả tự đánh giá, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã phối hợp UBND các quận, huyện và y tế địa phương tổ chức kiểm tra lại kết quả đối với 1.687 doanh nghiệp. Kết quả kiểm tra lại cho thấy, đã có 45% doanh nghiệp có mức rất ít rủi ro lây nhiễm (chỉ số CRLN <10%), 53% doanh nghiệp có mức rủi ro lây nhiễm thấp (chỉ số CRLN 10-30%) và 2% doanh nghiệp có mức rủi ro lây nhiễm trung bình (chỉ số CRLN 30-50%).

Đặc biệt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và các đơn vị liên quan cũng tiến hành kiểm tra đối với 22 doanh nghiệp có trên 3.000 lao động. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 46% doanh nghiệp có mức rủi ro lây nhiễm thấp (chỉ số CRLN 10-30%) nên tiếp tục được hoạt động, nhưng phải kiểm tra định kỳ để khắc phục hạn chế; 50% doanh nghiệp có mức rủi ro lây nhiễm trung bình (chỉ số CRLN 30-50%), các cơ quan đã có kế hoạch hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức lại khâu sản xuất để đảm bảo phòng chống dịch bệnh trong sản xuất lâu dài. Trong đó, có một doanh nghiệp (4,5%) có mức rủi ro lây nhiễm rất cao (chỉ số CRLN 80-100%) là Công ty Pouyuen (quận Tân Bình) và Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý với đề xuất của UBND TP Hồ Chí Minh tạm ngưng hoạt động của công ty này trong ngày 14-15/4. Trong thời gian ngày 15/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và UBND quận Bình Tân cũng đã hướng dẫn công ty lập kế hoạch khắc phục những yếu tố rủi ro để triển khai, hướng dẫn công ty hoạt động sản xuất trở lại và đảm bảo phòng ngừa lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, để phòng chống lây nhiễm dịch bệnh, từ ngày 10-12/4, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với Ban quản lý Khu chế xuất Khu công nghiệp Tân Thuận tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc dịch bệnh COVID-19 cho 1.295 công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đến nay, việc xét nghiệm đã cho kết quả tất cả đều âm tính.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Nhà nước không ngăn cản doanh nghiệp sản xuất, nhưng phát triển kinh tế phải đảm bảo yêu cầu, không gây gây rủi ro cho an toàn người dân. Sau khi có kết quả đánh giá từ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp nào tiến hành khắc phục được các tiêu chí về phòng chống dịch bệnh thì mới được tiếp tục sản xuất. “Vì vậy, sắp tới các đơn vị, sở ban ngành cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Bản cam kết tuân thủ phòng, chống dịch và Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại các doanh nghiệp. Mục tiêu của thành phố là kiên quyết tạm dừng sản xuất những doanh nghiệp không đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh lây lan cho cộng đồng”, ông Nhân nói.

Theo Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh, hiện TP Hồ Chí Minh có khoảng 3,2 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại 415 doanh nghiệp. Trong đó, có 300.000 công nhân làm việc trong KCN - KCN, 45.000 ngàn công nhân làm việc tại KCNC và gần 2,8 triệu công nhân làm việc tại các quận, huyện.

Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 bao gồm 10 thành phần (tối đa 10 điểm/thành phần): số lượng công nhân làm việc tập trung của doanh nghiệp; mật độ người lao động làm việc ở các phân xưởng, bình quân trên 1 m2 mặt bằng phân xưởng; người lao động rửa tay, có xịt nước sát khuẩn trước khi vào và ra khỏi phân xưởng; tỷ lệ công nhân đeo khẩu trang trong lúc làm việc; số công nhân được kiểm tra nhiệt độ trước khi vào phân xưởng; khoảng cách công nhân ở nhà ăn; số công nhân đi làm bằng xe đưa rước; số khu vực (địa điểm đón, trả công nhân) công nhân ở trước khi đi làm (mỗi khu vực cách nhau từ 3km trở lên); công ty phát khẩu trang cho công nhân mỗi ngày hoặc phát đủ khẩu trang giặt được, công ty có làm ca đêm (trừ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lương thực, thực phẩm, dược phẩm, nhiên liệu và trang thiết bị y tế… phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19).

 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh kiến nghị nâng mức xử phạt không đeo khẩu trang khi ra đường
TP Hồ Chí Minh kiến nghị nâng mức xử phạt không đeo khẩu trang khi ra đường

UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nâng mức xử phạt đối với hành vi không đeo khẩu trang khi ra đường trong mùa dịch bệnh để tăng sự răn đe.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN