Ngày 14/4, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh (LĐTB-XH TP Hồ Chí Minh) cho biết, Sở vừa trình lên UBND TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện hỗ trợ cho khoảng 78.500 người lao động, giáo viên mầm non bị mất việc do dịch COVID-19. Cụ thể, Sở đã hỗ trợ gần 47.000 công nhân, người lao động và khoảng 31.500 giáo viên mầm non, người chăm sóc trẻ tại các cơ sở mầm non, nhóm trẻ tư thục và ngoài công lập bị thất nghiệp. Mức hỗ trợ cho công nhân, người lao động, giáo viên mầm non là 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6).
Đối với người bán vé số, tính đến ngày 14/4, đã có 11/24 quận, huyện tiếp tục bổ sung danh sách người bán vé số cần hỗ trợ, nâng tổng số danh sách hỗ trợ lên hơn 18.700 người (tăng gần 1.500 người so với danh sách trước đó) với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 14 tỷ đồng. Việc hỗ trợ người bán vé số đã xong đợt 1 (từ ngày 6 -10/4) và đợt 2 bổ sung sẽ được thực hiện ngay trong ngày 14/4 và ngày 15/4.
Đối với người thuộc diện bảo trợ xã hội, Sở đã hỗ trợ khoảng 6.300 người đang được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội của TP Hồ Chí Minh với mức hỗ trợ khoảng 500.000 đồng/người/tháng để cải thiện chất lượng bữa ăn, giúp người già, trẻ em tăng đề kháng trong phòng, chống dịch bệnh.
Các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo gói an sinh xã hội mà Thủ tướng Chính phủ đã thông qua, Sở LĐTB-XH TP Hồ Chí Minh đang chờ hướng dẫn chung của Bộ LĐTB-XH để xác định các nhóm đối tượng được hỗ trợ. Trong đó, TP Hồ Chí Minh dự kiến hỗ trợ toàn bộ 42.000 người có công hưởng trợ cấp hàng tháng với mức 500.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ 132.000 người diện bảo trợ xã hội đang sinh sống ở cộng đồng từ 500.000 - 7000.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ hơn 32.000 hộ nghèo với 127.000 nhân khẩu với mức 250.000 đồng/người/tháng… Đối với người lao động ở khu vực phi chính thức, làm việc không có hợp đồng lao động, Sở sẽ thực hiện theo hướng dẫn chung của Bộ LĐTB-XH về xác định các nhóm ngành nghề có lao động để hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng.
Theo ông Lê Minh Tấn, ngoài các đối tượng đã nhận những hỗ trợ trên, Sở cũng chỉ đạo các phòng lãnh đạo ngành lao động tại 24 quận, huyện tiếp tục thống kê, lên danh sách công nhân, người lao động bị mất việc, các đối tượng bảo trợ xã hội tại địa bàn cần được hỗ trợ để thành phố tiếp tục hỗ trợ họ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mặc dù các khoản hỗ trợ không nhiều nhưng đây là tinh thần tương thân tương ái cũng như khẳng định cam kết của TP Hồ Chí Minh "không ai bị bỏ lại phía sau" vì dịch bệnh COVID-19.