Đại diện hãng taxi Vinasun, hãng taxi có khoảng 4.500 xe tại TP Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù giá xăng đang điều chỉnh tăng nhưng đơn vị vẫn đang áp dụng giá cước cũ, chưa điều chỉnh tăng theo. Bởi việc điều chỉnh tăng giá cước đòi hỏi phải có thời gian và tính toán kỹ lưỡng và còn phải chờ kiểm định, niêm chì lại đồng hồ tính cước sau khi muốn cài đặt giá cước mới.
“Giá cước taxi thực tế đã giữ ổn định từ năm ngoái. Nay nếu điều chỉnh sẽ mất lợi thế cạnh tranh với taxi công nghệ đang phát triển rầm rộ. Vì vậy, các doanh nghiệp taxi bắt buộc phải cắt giảm chi phí để giữ giá cước, trước sức ép giá nhiện liệu tăng”, vị đại diện hãng taxi Vinasun cho biết thêm.
Là đơn vị có ảnh hưởng không kém sau taxi là doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container, anh Lê Anh Điệp, Giám đốc Công ty vận tải B - line cho biết, việc tăng giá xăng dầu như vừa qua ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container. Hiện nay, giá xăng dầu đang chiếm 60% chi phí đầu vào của ngành vận tải, khi giá xăng tăng đồng nghĩa với chi phí đầu vào tăng, trong khi đó giá cước không được điều chỉnh tăng sẽ khiến doanh nghiệp vận tải rơi vào khó khăn chồng chất khó khăn.
“Trong tình thế hiện nay, doanh nghiệp vận tải đang bị kẹt ở giữa, nếu doanh nghiệp tăng giá cước sẽ mất khách hàng bởi vì các đơn vị đang canh tranh nhau từng khách. Không tăng giá cước vận chuyển, doanh nghiệp sẽ phải giảm lợi nhuận, dần dần tới làm ăn thua lỗ và phá sản”, anh Lê Anh Điệp cho biết thêm.
Đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện giá nhiên liệu chiếm khoảng 35 - 50% giá cước vận tải hàng hóa. Tuy vậy, không phải mỗi khi giá xăng dầu tăng thì cước vận tải có thể tăng theo ngay, còn phải xét theo các hợp đồng. Nhiều hợp đồng đã ký cả năm, nên có hợp đồng điều chỉnh được, có hợp đồng phải giữ giá cố định. Nếu cố tình điều chỉnh sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi hai bên, còn không điều chỉnh thì doanh nghiệp vận tải sẽ bị đội chi phí đầu vào. Mặt khác, hiện hàng hóa đang ít, cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải hàng hóa lại lớn, nên nếu doanh nghiệp điều chỉnh cước vận tải có thể sẽ mất khách.
Theo văn bản của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá các mặt hàng xăng dầu tiếp tục tăng trong kỳ điều hành lúc 15 giờ chiều 17/4. Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 1.115 đồng mỗi lít; xăng RON 95 thêm 1.202 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng 291-407 đồng một lít, kg tùy loại. Sau điều chỉnh, giá mỗi lít E5 RON 92 tối đa 19.703 đồng; RON 95 có mặt bằng giá mới 21.235 đồng. Giá dầu hỏa tối đa 16.262 đồng một lít; dầu diesel 17.384 đồng và dầu madut 15.617 đồng một kg.