Người nhập cảnh ngắn ngày không phải cách ly y tế
Ngày 24/12, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người được phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày).
Đối tượng áp dụng của hướng dẫn này là những người được phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày bao gồm: Người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; Người nhập cảnh không phải mục đích ngoại giao công vụ (Nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp, kinh doanh, thương mại, nghiên cứu thị trường cùng thân nhân và các đối tượng theo thỏa thuận với từng quốc gia); Những người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày trong quá trình làm việc tại Việt Nam.
Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế nêu rõ: người nhập cảnh ngắn ngày không phải cách ly y tế song phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt, không tiếp xúc với cộng đồng, đảm bảo an toàn cho người nhập cảnh ngắn ngày và những người tiếp xúc, không để lây nhiễm chéo trong quá trình làm việc và không lây nhiễm ra cộng đồng.
Trường hợp người nhập cảnh dự kiến làm việc, hoạt động tại nhiều địa phương cần phải có kế hoạch, phương án di chuyển rõ ràng và được địa phương liên quan chấp thuận.
Người nhập cảnh ngắn ngày và người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày phải thực hiện đầy đủ quy định 5K, tự theo dõi sức khỏe, khi có một trong các biểu hiện: sốt, ho, đau rát họng hoặc khó thở thì thông báo cho cơ quan quản lý và y tế địa phương để xử lý theo quy định.
Bộ Y tế lưu ý việc lập danh sách toàn bộ những người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày trong quá trình làm việc, đi thực địa. Nơi lưu trú (khách sạn, nơi lưu trú do doanh nghiệp thu xếp, cơ sở lưu trú khác) được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Bố trí riêng khu vực lưu trú cho người nhập cảnh ngắn ngày. Tuyệt đối không để lây nhiễm chéo tại nơi lưu trú và lây nhiễm ra cộng đồng. Người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ được miễn chi trả (trừ chi phí lưu trú tại khách sạn theo nguyện vọng).
Cũng tại hướng dẫn này, Bộ Y tế nêu rõ, trường hợp sau thời gian làm việc ngắn ngày mà người nhập cảnh tiếp tục có nhu cầu ở lại Việt Nam làm việc phải thực hiện các quy định hiện hành về nhập, xuất cảnh và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Người đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi COVID-19 kết thúc thời gian làm việc trước 3 ngày kể từ ngày nhập cảnh phải tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú đến hết ngày thứ 3, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú. Thực hiện xét nghiệm SARS- CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính sẽ tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày, thực hiện đầy đủ quy định 5K. Trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng... phải báo ngay cho y tế địa phương để xử lý theo quy định.
Trường hợp kết thúc thời gian làm việc sau 3 ngày và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính vào ngày thứ 3 tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày, thực hiện đầy đủ quy định 5K. Nếu có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng… phải báo ngay cho y tế địa phương để xử lý theo quy định.
Việt Nam thêm 16.157 ca mắc mới COVID-19; ghi nhận 235 ca tử vong
Tính từ 16 giờ ngày 23/12 đến 16 giờ ngày 24/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.157 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.767 ca.
Thông tin các ca nhiễm mới trong đó có 15 ca nhập cảnh và 16.142 ca ghi nhận trong nước (giảm 225 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 10.528 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (giảm 233 ca), Bạc Liêu (giảm 182 ca), Bến Tre (giảm 173 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Phú Yên (tăng 219 ca), Đắk Lắk (tăng 172 ca), Cà Mau (tăng 167 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 16.041 ca/ngày.
Từ 17 giờ 30 ngày 23/12 đến 17 giờ 30 ngày 24/12 ghi nhận 235 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (44 ca, trong đó có 9 ca từ các tỉnh chuyển đến), Đồng Nai (20 ca), An Giang (18 ca), Tiền Giang (15), Đồng Tháp (13), Cần Thơ (13 ca), Vĩnh Long (12 ca), Bình Dương (11), Bến Tre (11 ca), Tây Ninh (10 ca), Kiên Giang (9 ca), Sóc Trăng (7 ca), Bình Định (6 ca), Hà Nội (5 ca), Bến Tre (5), Trà Vinh (5 ca), Cà Mau (5 ca), Khánh Hòa (4 ca), Bình Thuận (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (4 ca), Bạc Liêu (4 ca), Bình Phước (2 ca), Long An (2 ca), Hậu Giang (2 ca), Hải Phòng (1 ca), Ninh Thuận (1 ca ca), Lạng Sơn (1 ca), Lâm Đồng (1 ca).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 238 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 30.766 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 27/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Hải Phòng tiêm vaccine mũi 3 cho người lao động tại các khu công nghiệp
Chiều 24/12, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tiêm vaccine cho cán bộ, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp Hải Phòng.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn LG Display Việt Nam Hải Phòng là doanh nghiệp đầu tiên được triển khai tiêm vaccine mũi 3.
Tại buổi kiểm tra tình hình tiêm vaccine của Công ty Trách nhiệm hữu hạn LG Display Việt Nam Hải Phòng, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết, hiện thành phố đang ưu tiên nguồn lực tiêm mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu và tiêm mũi 2 cho các em học sinh từ 12-18 tuổi.
Các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp được ưu tiên tiêm trong đợt này thể hiện sự quan tâm của thành phố đối với việc đảm bảo an toàn sức khỏe của người lao động để phục vụ sản xuất của doanh nghiệp, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất. Trong những ngày tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai tiêm mũi 3 cho người lao động tại các khu công nghiệp.
Cùng với việc tiêm vaccine, ông Lê Trung Kiên đề nghị các doanh nghiệp cũng cần có biện pháp tuyên truyền nhắc nhở để công nhân hạn chế di chuyển, tự phòng ngừa, tự bảo vệ. Doanh nghiệp chủ động rà soát nhà xưởng, các khu vực có thể tận dụng để làm nơi nghỉ ngơi cho công nhân ngoại tỉnh trong trường hợp phát sinh F0.
Hà Nội cấp phát khẩn 200.000 viên thuốc Molnupiravir điều trị cho F0 tại nhà
Ngay sau khi nhận được 200.000 viên thuốc Molnupiravir từ Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị nhanh chóng cấp phát cho các cơ sở y tế địa phương, kịp thời đến tay người dân.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Đống Đa liên hệ với nhà cung ứng, làm thủ tục nhận thuốc này và có trách nhiệm bảo quản theo đúng điều kiện bảo quản ghi trên nhãn; cấp phát cho các đơn vị tham gia chương trình thử nghiệm theo phân bổ của Sở Y tế.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Giám đốc trung tâm y tế, bệnh viện thu dung điều trị F0 khẩn trương cấp phát cho các bệnh nhân đủ điều kiện tham gia chương trình tại cơ sở thu dung, điều trị và tại nhà theo đúng quy định.
Theo Quyết định 4288/QĐ-SYT của Sở Y tế Hà Nội về quy trình triển khai Chương trình sử dụng thuốc kháng virus (Molnupiravir) có kiểm soát trên cộng đồng cho người mắc COVID-19 (F0 thể nhẹ), thì có 4 nhóm F0 đủ tiêu chuẩn được tham gia chương trình điều trị bằng thuốc Molnupiravir là: Người có kết quả xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR dương tính trong vòng 5 ngày; Người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên các trường hợp trên 50 tuổi hoặc có bệnh nền; Người cam kết đồng ý tham gia chương trình; Người không có các chống chỉ định dùng thuốc.