Việt Nam sẽ tiếp tục tìm kiếm các nguồn vaccine để có thể đa dạng hóa nguồn cung
Chiều 10/6, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra theo hình thức trực tuyến, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên về quá trình tìm kiếm, mua, nhập, tiếp nhận viện trợ vaccine ngừa COVID-19.
Theo đó, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Thời gian qua, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã rất nỗ lực, tích cực tìm hiểu, trao đổi, đàm phán và vận động Chính phủ các nước, tổ chức quốc tế, hãng sản xuất và nhà cung ứng trên thế giới để có thể mua, nhập và tiếp nhận viện trợ vaccine ngừa COVID-19. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 2,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ cơ chế COVAX Facility và cũng nhận được các cam kết viện trợ, cung ứng từ một số quốc gia, tổ chức quốc tế và các nhà sản xuất”.
Ngày 10/6, Việt Nam có thêm 211 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng
Ngày 10/6, Việt Nam ghi nhận thêm 219 ca mắc mới COVID-19. Trong đó, ngoài 8 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Long An (4 ca), Tây Ninh (2 ca), Kiên Giang (1 ca), An Giang (1 ca); có 211 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (98 ), TP. Hồ Chí Minh (61), Bắc Ninh (38 ), Hà Tĩnh (5), Hà Nội (4), Tiền Giang (2), Lạng Sơn (1), Hải Dương (1), Long An (1).
Tính đến 18 giờ ngày 10/6, Việt Nam có tổng cộng 8.165 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 6.595 ca.
Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 1.899.644 mẫu cho 4.034.665 lượt người.
Hiện có 16 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Bộ Y tế cảnh báo về nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa đưa ra khuyến cáo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trước nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không an toàn.
Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay đã xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng… từ một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vaccine của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa.
Người dân cũng nhận được lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 thông qua những hình thức quảng bá khác nhau.
Do đó, người dân tuyệt đối không tiêm chủng những loại vaccine phòng COVID-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.
Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, người dân hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.
Bộ Y tế rút Bộ phận thường trực đặc biệt khỏi Bắc Giang
Khẳng định “Giai đoạn chống dịch khó khăn nhất, vất vả nhất ở Bắc Giang đã qua”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trước khi Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế rút khỏi địa bàn tỉnh.
Theo đó, đại diện Bộ Y tế hy vọng: Trong thời gian tới, Bắc Giang nhanh chóng dập dịch như mục tiêu đề ra là sau 7 - 14 ngày kiểm soát hoàn toàn dịch trên toàn tỉnh để toàn dân có thể hoạt động trở lại và đáp ứng tiêu thụ nông sản.
Một số giải pháp chống dịch trong thời gian tới cũng được Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đề xuất bao gồm bổ sung trang thiết bị xét nghiệm PCR cho Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang khi đoàn chi viện của Viện Pasteur Nha Trang rút quân.
TP Hồ Chí Minh phát hiện thêm chuỗi lây nhiễm mới với 28 trường hợp mắc COVID-19
Tối 10/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết đã phát hiện chuỗi lây nhiễm COVID-19 liên quan xưởng cơ khí ở Hóc Môn và một khách sạn tại quận Tân Bình.
Theo HCDC, ngày 10/6, từ 2 bệnh nhân chỉ điểm gồm bệnh nhân 9612 và bệnh nhân 9613 được phát hiện tại một công ty cơ khí chế tạo máy ở Ấp Mới 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn (có địa chỉ cư trú tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi), TP Hồ Chí Minh đã phát hiện chuỗi lây nhiễm với số bệnh nhân được phát hiện là 28 trường hợp.
Hà Tĩnh ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính, là con của bệnh nhân 9567
Chiều 10/6, thông tin từ Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, theo kết quả xét nghiệm mới nhất, tỉnh vừa ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, là con của bệnh nhân N.T.H (trú tại phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, cán bộ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh - bệnh nhân số 9567).
Theo đó, 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới phát hiện gồm: N.H.V (sinh năm 2006) và N.H.N (sinh năm 2009), là con của bệnh nhân N.T.H.
Ngày 9/6, sau khi xác định ca bệnh N.T.H, hai con của bệnh nhân này đã được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Hiện cả 2 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Ngay sau khi xác định thêm 2 trường hợp dương tính, ngành y tế và lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng truy vết những người có tiếp xúc gần để tiến hành cách ly, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc.
Xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 toàn bộ cư dân Côn Đảo
Sáng 10/6, huyện Côn Đảo huy động tổng lực cán bộ, nhân viên y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho toàn bộ cư dân sinh sống trên trên địa bàn. Việc làm này nhằm nhanh chóng sàng lọc, truy vết và cách ly nếu phát hiện ca mắc trong cộng đồng.
Bà Nguyễn Thụy Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Côn Đảo cho biết, công tác lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 có ý nghĩa quan trọng, từ đó hỗ trợ cho việc chẩn đoán, triển khai nhanh chóng, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, trong điều kiện Côn Đảo nằm cách xa đất liền, các phương tiện ra đảo hiện tạm dừng hoạt động, do đó thông qua đợt xét nghiệm SARS-CoV-2 sẽ giúp phát hiện sớm ca bệnh, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.