Đẹp… nhưng chưa sạchToàn bộ lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có diện tích hơn 33 km2 là nơi sinh sống của 1,2 triệu dân, trải dài trên địa phận của 7 quận, trong đó có các quận trung tâm thành phố như quận 1 và quận 3. Nhiều năm trước khu vực này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Từ năm 1993, Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 được triển khai, với tổng vốn đầu tư là 8.600 tỷ đồng, trong đó vốn ODA của WB là 5.252 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 3.348 tỷ đồng và phải di dời tới 7.000 hộ dân.
Vớt cá chết để đảm bảo vệ sinh môi trường cho tuyến kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
|
Tuy nhiên, khi hoàn thành giai đoạn 1, dự án này vẫn mới dừng ở việc xây dựng bờ bao, nạo vét kênh, làm các tuyến cống thu gom nước thải. Toàn bộ hệ thống nước thải đô thị lâu nay vẫn thải trực tiếp ra kênh này dù đã được thu gom, nhưng chỉ xử lý sơ bộ, lược rác, sau đó bơm thẳng ra sông thông qua hệ thống cống ngầm dưới lòng kênh chứ chưa được xử lý theo đúng tiêu chuẩn. Bề mặt dòng kênh này trong xanh, cá tung tăng bơi lội được là nhờ nước sông vào ra theo thủy triều. Thực chất, dòng kênh đen trước đây vẫn còn “đang tồn tại” ở dạng cống ngầm, và những nguy hại đối với môi trường vẫn đang ngày càng nghiêm trọng. Hiện tượng cá chết hàng loạt sau mưa cũng là một dấu hiệu cho thấy tình trạng tái ô nhiễm nguồn nước bề mặt kênh do hệ thống thu gom nước thải ngầm bị tắc nghẽn trong mùa khô đã trở nên quá tải trong trận mưa đầu mùa, khiến toàn bộ nước thải, thay vì được thu gom xuống cống ngầm, đã tràn ra mặt kênh, gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt, mỗi năm một nhiều như vừa xảy ra.
Ô nhiễm kênh rạch theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hồ Chí Minh là vấn đề nan giải nhất mà cho đến nay thành phố vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Kế hoạch triển khai các chương trình cải tạo, nạo vét kênh rạch, cải tạo hệ thống thoát nước các dự án xử lý nước thải đô thị tập trung không theo kịp so với mục tiêu đề ra mà nguyên nhân chính là nguồn vốn đầu tư quá lớn. Trên thực tế, với nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa và Bình Hưng có tổng công suất khoảng 171.000m³/ngày đêm chỉ có thể xử lý 13% lượng nước thải đô thị của thành phố. Số còn lại buộc phải thải bỏ ra ngoài hệ thống kênh rạch khiến cho chất lượng nước mặt của kênh rạch bị ô nhiễm nặng.
Cần ưu tiên “làm sạch”Khi triển khai giai đoạn 1 của dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhiều chuyên gia lúc đó đã đưa ra cảnh báo, thành phố cần ưu tiên xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thay vì chi gần 500 triệu USD cho việc làm đẹp dòng kênh, trong đó có khoản chi phí quá lớn để khoan, kích xây dựng hệ thống cống ngầm, chỉ để phục vụ việc bơm nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông. Vì rằng, cách làm này, tuy mang lại hình ảnh một dòng kênh sạch đẹp trong mắt người dân, nhưng hiệu quả cải thiện môi trường thực tế vẫn không đáng kể, mà chỉ đơn giản là “di chuyển ô nhiễm” từ chỗ này sang chỗ khác. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, thành phố vẫn đã lựa chọn, ưu tiên cho phương án “làm đẹp”. Tất nhiên sau khi “làm đẹp”, thành phố vẫn phải “làm sạch”, và để làm sạch được dòng kênh này, thành phố dự kiến sẽ phải chi thêm khoảng 450 triệu USD nữa. Theo Quản lý dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thành phố đã đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp tục cho vay 450 triệu USD triển khai giai đoạn 2 của dự án.
Từ trường hợp của dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, việc cải thiện cảnh quan dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng như những dòng kênh khác trên địa bàn thành phố là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí đi vay và điều kiện ngân sách hạn hẹp như hiện nay, thành phố cần đầu tư một cách khôn ngoan, trong đó cần chú trọng đầu tư vào những hạng mục cần thiết trước mắt như nạo vét khai thông dòng chảy, ưu tiên xây dựng hệ thống xử lý nước thải để cải thiện môi trường một cách thực chất, thay vì xả thải ngầm để ưu tiên cải thiện cảnh quan và bắt buộc phải có chế tài, giám sát, hạn chế tối đa các nguồn thải gây ô nhiễm ra môi trường.
PGS.TS Phùng Chí Sỹ, một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, cho rằng, để có thể xử lý được tình trạng ô nhiễm hệ thống kênh rạch nhất thiết phải hoàn thành được những nhà máy xử lý nước thải đô thị. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cơ sở nào để có thể khẳng định chắc chắn rằng những nhà máy xử lý nước thải có thể đi vào hoạt động đúng như dự kiến năm 2020. Trong khi đó các cơ quan chức năng chỉ mới tập trung kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm gây ô nhiễm môi trường lớn. Còn với những doanh nghiệp nhỏ và người dân vi phạm vẫn chưa xử lý được.
Không những thế, tình trạng rối rắm trong công tác quản lý môi trường nhiều năm qua của thành phố chưa được khắc phục, cũng khiến cho công tác quản lý môi trường kém hiệu quả. Điển hình nhất là tình trạng phân tán quản lý chất lượng môi trường cho các quận - huyện và các cơ quan chức năng liên quan, thay vì phải nhất quán, tập trung ở một cơ quan nhất định. Kết quả là dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”. Những khu vực giáp ranh các quận, huyện hoặc hệ thống kênh rạch vẫn đang bị đặc quánh vì rác thải và chất thải ô nhiễm.