Tỏi Việt Nam “lên bàn ăn thế giới”

Sau hơn một năm đưa vào sản xuất, những củ tỏi Lý Sơn đã chứng minh được là hoàn toàn thích hợp để trở thành tỏi đen - một dược liệu quý, một thực phẩm chức năng giá trị được thị trường thế giới ưa chuộng.


“Những củ tỏi đen “made in Vietnam” đầu tiên đã được đưa sang Nhật. Chúng tôi đang chờ phản hồi từ thị trường này” - ông Nguyễn Đức Luân, Giám đốc Công ty CP CGroup Việt Nam cho biết.


Khắc phục nhược điểm, tăng hàm lượng tốt


Trong thời gian làm thực tập sinh tại Nhật Bản, Nguyễn Viết Giang (SN 1984) rất tò mò thấy người Nhật ăn sống những tép tỏi màu đen hoặc trộn salat, trang trí bánh ngọt, chế biến các món nướng… Nếm thử, thấy vị dễ chịu, không có mùi hăng, lại được biết giá của tỏi đen khá cao, trong đầu cậu lưu học sinh nảy sinh suy nghĩ. Về nước, thấy giá nhập khẩu tỏi đen (dưới dạng thực phẩm chức năng) lên tới 5 triệu đồng/kg, trong khi nông dân quá khổ vì tỏi được mùa thì giá thấp (chỉ vài chục ngàn/kg), trái mùa thì hiếm hoi, thị trường toàn tỏi nhập từ Trung Quốc, trong anh càng nung nấu ý định “bắt chước người Nhật”.

 

Quy trình lên men tỏi đen.

Gặp được công trình nghiên cứu của TS Vũ Bình Dương (Trung tâm nghiên cứu ứng dụng sản xuất thuốc - Học viện quân y, nơi tiên phong trong sản xuất tỏi đen) về cây tỏi đen, Giang cùng doanh nhân trẻ Nguyễn Đức Luân bắt tay vào thử nghiệm.


Áp dụng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, những nhánh tỏi đen đã ra đời trong “xưởng sản xuất” nhỏ của hai chàng trai. Khởi đầu cũng có mẻ không thành công, có lẽ do khí hậu và đặc tính cây tỏi Việt Nam. Về sau, mẻ nào cũng “nếm” và điều chỉnh thì ra được công thức phù hợp để lên men tỏi. Củ tỏi khô có lớp vỏ màu ngà, cầm lên thoạt tưởng óp. Bên trong, những tép đen huyền, dẻo quánh, vị không hăng mà ngọt dịu.


Theo đông y, cây tỏi bên cạnh việc kích thích tiêu hóa, sát khuẩn, tăng cường đề kháng, còn có khả năng chữa các loại bệnh như rối loạn chuyển hóa, chống viêm khớp, hạn chế tiểu đường, cảm lạnh, sốt rét, lao. TS Vũ Bình Dương cho biết: Những nghiên cứu gần đây đã phát hiện thêm nhiều công dụng của tỏi như: ức chế, tiêu diệt tế bào ung thư, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu, phòng ngừa trụy tim mạch, ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh...

Tỏi đen đã lan từ châu Á tới các quốc gia khác như Mỹ, Anh, Australia… Trên trang web blackgarlic.co.uk, một hộp tỏi đen đã bóc vỏ 50g có giá 2,95 bảng Anh (khoảng 100.000 đồng) còn trên trang mua hàng trực tuyến amazon, gói sản phẩm từ 11 - 15 củ tỏi đen có giá 29,99 USD (khoảng 630.000 đồng). Năm 2006, tỏi đen trở nên nổi tiếng ở Nhật Bản sau khi nhà nghiên cứu Jiniti Sasaki, giáo sư tại trường đại học Hirosaki, công bố một bản nghiên cứu cho thấy tỏi đen có những tác dụng tốt đối với sức khỏe con người mà tỏi bình thường không có được.


Trên thế giới, việc sử dụng tỏi đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, nhược điểm của tỏi là mùi khó chịu, do các hợp chất sulfur gây ra. Để khắc phục nhược điểm này, các nhà khoa học Nhật Bản, Hàn Quốc đã lên men tự nhiên tỏi tươi để tạo ra tỏi đen. Củ tỏi bình thường sau thời gian đặt trong môi trường nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, thì các nhánh tỏi chuyển dần từ trắng sang nâu, rồi đen như thục địa. Tỏi đen vừa khắc phục được mùi khó chịu của tỏi, vừa làm tăng gấp đôi tác dụng chống oxy hóa của tỏi, lại có thể phòng lão hóa, ung thư, các bệnh nan y…


“Bên cạnh tác dụng giống như tỏi thông thường, tỏi đen còn có thêm những công dụng quý. Kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy dịch chiết tỏi đen có hiệu lực mạnh kháng lại các tế bào khối u, nên có thể phòng và hỗ trợ điều trị ung thư. Cơ chế tác dụng của tỏi đen không phải bằng cách trực tiếp gây độc tế bào mà thông qua con đường kích thích đáp ứng miễn dịch, loại trừ khả năng di căn của các tế bào khối u. Nghiên cứu cũng chỉ ra tỏi đen giàu S-allyl-L-cysteine (SAC) làm giảm sự phát sinh của khối u ruột kết và các tụ điểm ẩn khác thường, những dấu hiệu lâm sàng sớm nhất của ung thư ruột kết. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy tỏi đen có hiệu lực hóa liệu dự phòng đối với các tác nhân gây ung thư bằng cách ức chế sự nhân lên của tế bào khối u. Tỏi đen còn điều hòa được đường huyết” - nghiên cứu của TS Vũ Bình Dương chỉ rõ.


“Do khí hậu miền Bắc thất thường, mỗi mẻ tỏi là một lần hồi hộp. Đến nay thì tín hiệu thị trường khá tốt, dù người dân chưa biết nhiều tới sản phẩm này”- Nguyễn Viết Giang cho biết. “Rất cảm ơn nhà khoa học đã mở lối cho doanh nghiệp”.


Nâng cao giá trị nông sản


Viêt Nam có nhiều loài tỏi quý như tỏi Lý Sơn, tỏi Phan Rang... có thể làm tỏi đen, nhưng mới chỉ được sử dụng ở dạng tươi, và chỉ có 1 vụ/năm. Sau khi thu hoạch, tỏi chỉ được sấy khô với phương pháp thủ công. Vào những tháng cuối năm, Luân và Giang dở khóc dở cười khi có đơn hàng mà không đủ nguyên liệu, hoặc nguyên liệu sơ chế từ miền Trung ra Bắc gặp khí hậu ẩm thì nảy mầm bên trong củ tỏi. Đặt cơ sở sản xuất tại Lý Sơn cũng không được, vì để lên men tỏi cần điện sấy liên tục 35-45 giờ, mà Lý Sơn lại chưa có điện lưới. “Là một doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi chỉ mong nhà nước có sự đầu tư về điện, đường và công nghệ chế biến sau thu hoạch, vừa giúp nông dân yên tâm sản xuất quy mô lớn, vừa gián tiếp giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng”.


Luân và Giang đang đầu tư để có sản phẩm “tỏi 1 nhánh”, hoặc bóc sẵn các nhánh tỏi nhỏ, hay chế biến thành viên, thành tinh dầu… tiện cho người sử dụng. Tuy nhiên để người tiêu dùng có thể nhận diện được “tỏi ta xịn”, thì trước mắt vẫn ưu tiên cho sản phẩm tỏi đủ cả củ, chưa bóc vỏ.


Các nhà doanh nghiệp cũng mong có những nghiên cứu khoa học về thổ nhưỡng, quy trình, để khẳng định hơn nữa giá trị của cây tỏi Lý Sơn. Chứng nhận địa lý sẽ góp phần tăng giá trị thương hiệu cho sản phẩm tỏi nói chung và tỏi đen nói riêng.


Là cựu sinh viên Tự động hóa ĐH Bách khoa Hà Nội, với Giang, việc “nội địa hóa thiết bị” có thể giảm giá thành trong khi vẫn áp dụng quy trình Nhật Bản là điều không quá khó. Tuy nhiên để tiếp tục đi xa, đúng là có những điều nằm ngoài tầm tay Giang và Luân. Sự hỗ trợ từ nhà nước và nhà khoa học với các doanh nghiệp là rất cần thiết. Có sự bắt tay của cả “3 nhà”, việc củ tỏi của người nông dân Việt Nam nằm trên bàn ăn, trong tủ thuốc của thế giới là điều không quá xa xôi.

 

Thùy Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN