Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết: Hiện nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội của Thành phố là 2.218.675 người; tăng 160.898 người (tăng 7,8% so với năm 2022); trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chiếm 40,4% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội tăng cao, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động: Tính đến hết tháng 4/2023, tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội toàn Thành phố là 9,13% so với số phải thu, tương ứng 5.191,9 tỷ đồng, ảnh hưởng đến 512.696 người lao động; trong đó: riêng nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể chiếm 34,6% tổng số tiền nợ.
Ông Lê Đình Hùng cũng cho biết: "Từ tháng 9/2022, tình hình sản xuất kinh doanh ở một số doanh nghiệp gặp khó khăn trở lại, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ…Việc làm và thu nhập của người lao động có chiều hướng giảm".
“Đối với các doanh nghiệp lớn, có nguồn lực kinh tế mạnh thì gồng khoản lỗ để duy trì lao động, các doanh nghiệp xuất khẩu gián tiếp không có khả năng tài chính thì buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, công nhân làm 5 ngày/tuần hoặc làm việc 15 ngày/tháng và được khuyến khích “ứng” ngày nghỉ phép của năm 2023. Một số doanh nghiệp đã xây dựng phương án cắt giảm lao động, cho người lao động nghỉ việc dài ngày, hưởng lương ngừng việc. Dẫn đến một số công nhân lao động mất thu nhập, thu nhập giảm sút, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động”, ông Lê Đình Hùng cho biết.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động TP Hà Nội phối hợp với các cấp chính quyền tăng cường giám sát về việc thực hiện lương tối thiểu vùng, các quy định về thời giờ làm việc, hỗ trợ bổ sung nhiều khoản trợ cấp cho người lao động; tỷ lệ doanh nghiệp thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt 73,45%; tỷ lệ các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động đạt 73,9%, ...
Tuy nhiên, theo đánh giá của công đoàn cơ sở tại Hà Nội, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, đặc biệt những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít lao động. Một số vi phạm phổ biến như: hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động, xây dựng thang bảng lương thiếu rõ ràng… ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người lao động.