BHXH, BHYT là hai chính sách trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội (ASXH). Với quan điểm xuyên suốt “lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, BHXH Việt Nam luôn nỗ lực, trách nhiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng chính sách theo quy định, để đạt được “đích” cuối cùng là đảm bảo ASXH cho nhân dân.
Về quy định của pháp luật về việc thu BHXH bắt buộc đối với HKDCT, giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2006, thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH theo quy định tại Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ. Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 0/1/2003 của Chính phủ mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn, hợp đồng theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng tại các doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh (trong đó có hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, tổ hợp tác).
Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, thực hiện theo quy định tại Luật BHXH số 58/2014/QH13 bổ sung thêm một số đối tượng như: Người lao động (NLĐ) làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ, hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ... và người quản lý DN, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Thực hiện Nghị định số 01/2003/NĐ-CP, từ năm 2003 các HKDCT thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (NLĐ theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên, HĐLĐ không xác định thời hạn) lập hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc gửi cơ quan BHXH theo quy định, trong đó, nhiều hộ lập danh sách cả chủ hộ, với nhận thức chủ hộ là người trực tiếp làm việc, trực tiếp thực hiện các công việc sản xuất kinh doanh của HKDCT như NLĐ (nhiều hộ chỉ có chủ hộ làm việc). Quá trình thực hiện, một số chủ hộ đủ điều kiện đã được giải quyết hưởng các chế độ BHXH bao gồm cả chế độ hưu trí, BHXH một lần. Tuy nhiên còn nhiều trường hợp là chủ hộ chưa được tính thời gian đóng, chưa được giải quyết chế độ BHXH do nhận thức chưa thống nhất về hộ kinh doanh tham gia BHXH.
Để thống nhất nhận thức thực hiện chính sách BHXH đối với HKDCT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia theo đúng quy định của pháp luật, BHXH Việt Nam có các văn bản chỉ đạo BHXH các địa phương dừng thu BHXH đối với chủ hộ (Công văn số 3857/BHXH-BT ngày 6/10/2016 về việc báo cáo tình hình thực hiện chính sách BHXH đối với chủ HKDCT, Công văn số 4116/BHXH-BT ngày 01/11/2019 về việc thực hiện chính sách BHXH bắt buộc đối với NLĐ, Công văn số 4252/BHXH-TST về việc dừng thực hiện BHXH bắt buộc đối với chủ HKDCT).
Đồng thời, để giải quyết quyền lợi BHXH đối với chủ HKDCT đã có quá trình đóng BHXH bắt buộc với chức danh chủ hộ, đảm bảo ASXH, BHXH Việt Nam đã có văn bản báo cáo, đề xuất giải quyết gửi Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (Công văn số 4677/BHXH-BT ngày 22/11/2016; Công văn số 2916/BHXH-CSXH ngày 16/9/2020; Công văn số 4307/BHXH-TST ngày 27/12/2021).
Ngày 25/4/2023, BHXH Việt Nam cũng đã có Công văn số 1191/BHXH- TST về việc báo cáo giải trình về đóng BHXH của HKDCT để báo cáo Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất giải quyết đối với chủ HKDCT đã đóng BHXH bắt buộc nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách.
Việc chủ HKDCT đăng ký tham gia BHXH bắt buộc xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau: Theo tinh thần của Bộ luật Lao động năm 1994, Nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi hoặc giúp đỡ cho mọi hoạt động tạo ra việc làm hoặc tự tạo việc làm để tạo ra của cải vật chất. Vì vậy, việc các chủ hộ tự tạo việc làm thời kì này theo định hướng của Nhà nước rất đáng được khích lệ và một trong những điều kiện đó là chủ hộ tự sản xuất kinh doanh phải được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp với tư cách như là một NLĐ. Thời gian này chưa có chính sách cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Nhu cầu của NLĐ được tham gia đóng, hưởng các chế độ an sinh (BHXH, BHYT). Số đông chủ hộ tham gia BHXH bắt buộc là người trực tiếp sản xuất kinh doanh, chủ hộ vừa là người sử dụng lao động vừa là NLĐ, thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh có được khoản thu nhập, tiền lương. Như vậy có thể coi là một dạng của HĐLĐ tự thỏa thuận, tự ký, nên tham gia đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT như NLĐ.
Các chủ HKDCT sẽ không đăng ký tham gia cho cả hộ nếu bản thân không được tham gia BHXH.
Trên cơ sở quy định của pháp luật về BHXH và thực tiễn nêu trên, nhằm tạo điều kiện để NLĐ được tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng, ổn định cuộc sống, đảm bảo ASXH bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ Bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, chủ HKDCT và một số nhóm đối tượng khác sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH; việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH đối với chủ HKDCT đã đóng BHXH được thực hiện và tuân thủ theo nguyên tắc đóng - hưởng theo quy định của Luật BHXH. Việc thoái thu BHXH thời gian đã đóng BHXH đối với chủ HKDCT sẽ rất phức tạp, khó khăn trong thực hiện do không có sự đồng thuận từ phía NLĐ là chủ HKDCT, quyền lợi của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng vì đã tham gia BHXH trong thời gian dài.
Để đảm bảo ASXH và tình hình an ninh, chính trị tại địa phương, BHXH Việt Nam đề xuất Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với chủ trương thực hiện chính sách BHXH bắt buộc đối với HKDCT bao gồm cả chủ hộ: tính thời gian đã đóng BHXH để giải quyết chế độ BHXH theo quy định của pháp luật; Giao Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội phối hợp với BHXH Việt Nam trình Chính phủ ban hành Nghị quyết tính thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và BHTN (nếu có) đối với chủ HKDCT.