Tính toán lộ trình tăng tuổi hưu với từng nhóm đối tượng

Theo Ban soạn thảo Luật Lao động sửa đổi, tiếp thu ý kiến của các bên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) sẽ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ được Ban soạn thảo tính toán theo từng nhóm đối tượng, ngành nghề.

Đề xuất lộ trình chậm hơn cho người lao động khối sản xuất

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương cho biết: “Khi lấy ý kiến khu vực doanh nghiệp (DN), đại đa số công nhân không ai đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu. Lộ trình tăng này khá dài, sau 10 năm nữa, những thay đổi về điều kiện lao động sẽ rất khác, nhưng tại thời điểm này người lao động (NLĐ) chưa mong muốn. Do đó, trong dự thảo bộ luật sửa đổi nên có thêm cơ chế quyền được nghỉ hưu ở tuổi 55 với nữ và 60 đối với nam”.

Chú thích ảnh
Lao động trực tiếp chưa muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Thừa nhận thực tế không một DN và NLĐ nào muốn tăng tuổi nghỉ hưu, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, đặt vấn đề: “Chúng ta nên có phương án cho lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu của NLĐ khối sản xuất vài khu vực nhà nước và hành chính sự nghiệp. Có thể, ban soạn thảo thiết kế phương án để khu vực sản xuất kinh doanh bỏ qua giai đoạn 2021 - 2026, sau đó mới bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu khi mà các điều kiện lao động đảm bảo. Hoặc lộ trình chậm lại nhằm thay đổi điều kiện làm việc để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho NLĐ khối sản xuất kinh doanh”.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị phạm vi đối tượng, mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần cân nhắc kỹ. Người trẻ muốn đi làm, còn một bộ phận người lớn tuổi không muốn đi làm khi tuổi đã cao. Người trẻ được đào tạo bài bản so với trước đây, số người có nghề nhiều hơn, người trẻ khỏe hơn, năng suất lao động tốt hơn người lớn tuổi.

Do đó, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, thậm chí phải thiết kế lại lộ trình cho phù hợp, như với đối tượng NLĐ trực tiếp có thể thiết kế theo từng giai đoạn, có thể nâng tuổi nghỉ hưu dần từ 55 lên 57 hoặc 58.

Trình phương án 1 trong tăng tuổi nghỉ hưu

Ông Doãn Mậu Diệp - Phó Trưởng ban soạn thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi), nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết: Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ LĐTBXH đã chủ trì và phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo Bộ luật.

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, ông Doãn Mậu Diệp cho biết, qua tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người lao động, đa số ý kiến đồng ý điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo Phương án 1: Kể từ 1/1/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi vào năm 2028.

“Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị có phương án cụ thể về những trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn và những trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung; làm rõ căn cứ, cơ sở để quy định khoảng cách tuổi nghỉ hưu là 2 tuổi giữa nam và nữ”, ông Diệp cho biết.

Do đó, dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp tới sẽ chỉ quy định phương án 1. Đồng thời ,Bộ LĐTBXH đang tiến hành tổng rà soát các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để ban hành một danh mục thống nhất các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn. Dự kiến tháng 9 hoàn thành.

“Đối với một số công việc có tính chất đặc thù như xiếc, thể thao, nghệ thuật sân khấu, giáo viên mầm non… sẽ được quy định theo hướng: khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù thì người lao động sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp, trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được thì có quyền nghỉ hưu sớm" ông Diệp cho biết.

Về quy định nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn, ông Doãn Mậu Diệp cho hay Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu cao hơn cho những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý, và đảm bảo theo 3 nguyên tắc: Chỉ làm công việc chuyên môn, không giữ các chức vụ, chức danh lãnh đạo; cơ quan có nhu cầu sử dụng; cá nhân có nguyện vọng và có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết: Ủy ban dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định việc mở rộng đối tượng áp dụng tại điều khoản thi hành của Luật đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động về một số quy định liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện lao động như an toàn, vệ sinh lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, BHXH… nhằm bảo đảm tốt hơn về điều kiện, tiêu chuẩn lao động và phù hợp với quy định của các luật chuyên ngành được tách ra từ Bộ luật Lao động cũng như khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Bên cạnh đó cũng đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo cần bổ sung báo cáo đánh giá về việc thực hiện nội dung này của các Luật đã được tách ra từ Bộ luật Lao động hiện hành nhằm làm rõ hơn về tính tương thích khi mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Bộ luật.

 

Diệu Linh/Báo Tin tức
Trẻ em quan tâm nhiều đến vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục
Trẻ em quan tâm nhiều đến vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục

Diễn đàn trẻ em lần thứ 6 chính thức khai mạc ngày 15/8, tại Hà Nội, với nhiều ý kiến của chính trẻ em về các vấn đề liên quan, trong đó nội dung được quan tâm nhiều nhất là phòng chống bạo lực và xâm hại tình dục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN