Bế mạc Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, kiện toàn các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước
Ngày 9/3/2021, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp phiên bế mạc tại Hội trường.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng bỏ phiếu biểu quyết về việc giới thiệu nhân sự đảm nhiệm chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021; khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ban Chấp hành Trung ương Đảng ghi phiếu giới thiệu nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021; khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá, các đồng chí dự Hội nghị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các Tờ trình, Báo cáo và các nội dung của Hội nghị. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua Nghị quyết của Hội nghị.
Để thực hiện tốt chương trình làm việc toàn khóa đã được Trung ương thông qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết ngay sau Hội nghị này, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai một cách nghiêm túc; phân công rõ ràng các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chuẩn bị các đề án cụ thể để triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nhất quán Phương hướng công tác nhân sự do Đại hội XII của Đảng thông qua; căn cứ vào thực tế đội ngũ cán bộ hiện có và yêu cầu về nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước, kết hợp yêu cầu trước mắt với việc chuẩn bị cho các khóa tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa và phát triển; Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, lựa chọn phương án hợp lý nhất trong điều kiện có thể và đã đạt được sự nhất trí rất cao.
Việt Nam tiêm những mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên
Sáng 8/3, tại cả 3 điểm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Hải Dương đã triển khai tiêm những mũi tiêm đầu tiên vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19.
Tại Hà Nội, điểm tiêm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; tại Thành phố Hồ Chí Minh là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh; tại Hải Dương là Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành.
Trong đợt 1, Bộ Y tế phân bổ vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 cho 13 địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 21 bệnh viện.
Trước đó, ngày 6/3, phát biểu tại Hội nghị tập huấn trực tuyến công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tới hơn 700 điểm cầu trên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, do vaccine lần này có số lượng hạn chế nên 13 địa phương được phân bổ vaccine ngừa COVID-19 cần thực hiện nghiêm theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Có như vậy mới tạo được niềm tin khi triển khai tiêm chủng và đảm bảo được công bằng trong tiếp cận vaccine theo đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, của UNCEF và COVAC.
Các địa phương chưa được phân bổ cần tiếp tục chuẩn bị kế hoạch, lên chương trình đào tạo, tập huấn. Khi có vaccine về trong tháng 3 này, Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay cho các địa phương.
Những điểm nổi bật trong phiên tòa sơ thẩm vụ Ethanol Phú Thọ
Sau 1 tuần đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ, phiên tòa đã kết thúc phần xét hỏi và tranh luận, Hội đồng xét xử nghị án và dự kiến sẽ tuyên án vào chiều 15/3.
Trải qua phần xét hỏi và tranh tụng, phiên tòa đã làm rõ được nhiều điểm trong vụ án, nổi bật là về năng lực, kinh nghiệm của Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T, về hậu quả thiệt hại của vụ án, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi chỉ định thầu và hậu quả thiệt hại…
Tại phiên tòa, vấn đề tranh luận nổi bật được nhắc đến nhiều lần là năng lực, kinh nghiệp của Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T. Đại diện Viện Kiểm sát xác định liên danh nhà thầu này thiếu năng lực, kinh nghiệm. Tuy nhiên, một số luật sư và bị cáo cho rằng Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T là nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm. Dự án dừng thi công là do thay đổi Hợp đồng EPC, chủ đầu tư không đủ tiền thực hiện dự án.
Về vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát đã viện dẫn Kết luận giám định của Bộ Xây dựng, kết quả chấm sơ tuyển của Công ty Cổ phần Thiết kế công nghiệp hóa chất (CECO), công văn báo cáo của PVC (Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam), PVB (Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí) cùng lời khai của các bị cáo: Vũ Thanh Hà (nguyên Tổng Giám đốc PVB), Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC), Nguyễn Ngọc Dũng (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC), Đỗ Văn Quang (nguyên Trưởng ban Ban Kinh tế kế hoạch PVC)… thì đã có đủ cơ sở xác định Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đáp ứng được năng lực, kinh nghiệp theo hồ sơ yêu cầu và không đủ điều kiện năng lực theo các quy định của pháp luật, vi phạm quy định tại Điều 10, khoản 3; Điều 96, khoản 1 - Luật Xây dựng.
Gói thầu EPC được thực hiện bởi liên danh 3 nhà thầu, mỗi nhà thầu chịu trách nhiệm các phần việc riêng rẽ theo thỏa thuận phân chia công việc. Do đó, năng lực các nhà thầu phải đáp ứng được từng phần việc do mình đảm nhiệm. Việc xử lý mối quan hệ giữa các phần việc của từng nhà thầu quy định thành bại của gói thầu này, chỉ cần một nhà thầu không đáp ứng được điều kiện năng lực của phần việc do mình chịu trách nhiệm sẽ dẫn đến không thực hiện được toàn bộ gói thầu.
Đại diện Viện Kiểm sát phân tích, việc nhà thầu không hoàn thành được Thiết kế FEED theo đúng yêu cầu của Hợp đồng EPC 059 như bị cáo Vũ Thanh Hà trình bày đã thể hiện rõ yếu kém về năng lực của nhà thầu trong việc thiết kế. Điều này dẫn đến phá vỡ cơ chế Hợp đồng EPC 059, dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thành dự án.
Hành vi của các bị cáo trong vụ án đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về đầu tư công trình xây dựng, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, làm lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội.
Hải Dương: Xử phạt 5 trường hợp vi phạm quy định cách ly tại nhà
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương vừa ra quyết định xử phạt 5 trường hợp với tổng số tiền là 37,5 triệu đồng do trốn tránh các biện pháp cách ly y tế.
Trong 5 người vi phạm có 4 trường hợp ở tại các khu dân cư của phường Tứ Minh (thành phố Hải Dương) gồm: Nguyễn Thị Lụa (sinh năm 1980, trú tại khu đô thị Thiên Phú); Mạc Trung Kiên (sinh năm 1980, trú tại khu Cẩm Khê); Lưu Xuân Đáng (sinh năm 1992, trú tại khu Xuân Dương); Đỗ Trọng Hiếu (sinh năm 1971, trú tại khu Thượng Đạt). Trường hợp thứ 5 là Nguyễn Văn Hợp (sinh năm 1971, trú tại phố Đặng Quốc Chinh, phường Lê Thanh Nghị).
Các trường hợp trên được yêu cầu cách ly tại nhà do có liên quan đến các ca bệnh COVID-19 nhưng đã không chấp hành nghiêm túc.
Mỗi người vi phạm bị xử phạt 7,5 triệu đồng theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 11 - Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Tính từ ngày 28/1 đến ngày13/3, thành phố Hải Dương đã xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch với số tiền gần 1,6 tỷ đồng. Trên toàn tỉnh Hải Dương tổng số tiền phạt đối với các đối tượng cố tình vi phạm quy định về phòng, chống dịch ước tính là hơn 3 tỷ đồng.
Thêm 1 ca mắc mới được cách ly tại Thành phố Hồ Chí Minh ngay khi nhập cảnh
Thông tin từ Bộ Y tế chiều 14/3 cho biết, từ 6h đến 18h ngày 14/3, Việt Nam ghi nhận một ca mắc mới, là ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ca bệnh 2554 (nam, 46 tuổi), là chuyên gia, quốc tịch Nhật Bản. Bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 10/3/2021 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 12/3/2021 là dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 14/3, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 2.554 ca mắc COVID-19. Trong đó, 1.594 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, 901 ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến nay Việt Nam đã chữa khỏi 2.086 bệnh nhân; ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên nền bệnh lý trầm trọng.
Trong số những bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, 48 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2, 48 người âm tính lần hai và 91 người âm tính lần ba.
Cả nước hiện có 39.613 người tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19 hoặc nhập cảnh từ vùng dịch, đang được cách ly theo dõi sức khỏe; trong đó 503 người được cách ly tại bệnh viện, 16.056 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác, 23.054 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.