Tổ chức tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sáng 21/1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trong thời kỳ mới.
Cùng với sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 lần này là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đây là cơ hội để chúng ta thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp.
Sau Đại hội, chúng ta tổ chức cuộc bầu cử rất có ý nghĩa, rất đồng bộ, nhịp nhàng và đây là hoạt động của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng cũng như ý nghĩa to lớn của cuộc bầu cử lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2021.
Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2020, trong đó yêu cầu cả hệ thống chính trị phải đoàn kết thống nhất, tăng cường phối hợp, tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cho cuộc bầu cử được tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.
Trong quá trình này, chúng ta cần quan tâm quán triệt thật tốt những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, chính sách lớn mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong sạch, vững mạnh; nhất là trong công tác cán bộ, lựa chọn, bầu ra những đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp thật sự xứng đáng, có đủ đức, đủ tài, đủ trình độ, phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, cũng là kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
"Nói như thế để càng thấy rõ rằng ý nghĩa rất quan trọng của cuộc bầu cử lần này, chúng ta phải tổ chức và chuẩn bị tiến hành làm sao cho thật sự dân chủ, đoàn kết và chọn ra được những đại biểu xứng đáng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới", Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.
Thêm hai ca mắc COVID-19 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính từ 18 giờ ngày 20/1 đến 18 giờ ngày 21/1, Việt Nam ghi nhận 2 ca mắc mới, đều có quốc tịch Việt Nam, là các ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Phú Yên. Bệnh nhân 1545 (nam, 54 tuổi), có địa chỉ tại phường 11, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh; bệnh nhân 1546 (nam, 66 tuổi), có địa chỉ tại phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 1/1/2021, các bệnh nhân trên từ Mỹ quá cảnh Hàn Quốc nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VN441, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Phú Yên. Kết quả xét nghiệm ngày 20/1/2021, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Trước đó trên chuyến bay này đã ghi nhận 16 ca dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly ngay tại Phú Yên.
Như vậy, tính đến chiều 21/1/2021, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.546 ca mắc COVID-19, trong đó 693 ca lây nhiễm trong nước, 553 ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay. Báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, có 5 bệnh nhân số 1454, 1438, 1422, 1471, 1458 được công bố khỏi bệnh. Việt Nam đã chữa khỏi 1.411 bệnh nhân mắc COVID-19; ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên nền bệnh lý trầm trọng.
Trong số những bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, 9 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2, có 15 người âm tính lần hai và 7 người âm tính lần ba.
Cả nước còn 18.603 người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 hoặc nhập cảnh từ vùng dịch, đang được cách ly theo dõi sức khỏe; trong đó 119 người được cách ly tại bệnh viện, 17.272 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác, 1.212 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Phát hiện xe tải vận chuyển cá khoai ướp phóc-môn
Ngày 21/1, theo thông tin từ Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa, lực lượng này đã phát hiện, bắt quả tang xe tải mang biển kiểm soát 36C - 212.06 vận chuyển 25 thùng cá khoai có trọng lượng 250 kg đã ướp phóc-môn đi tiêu thụ.
Theo đó, vào sáng cùng ngày, nhận được tin báo của quần chúng, lực lượng Cảnh sát môi trường đã kiểm tra trên tuyến đường tránh Quốc lộ 1A (phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa) và phát hiện xe tải mang biển kiểm soát 36C - 21206 do Vũ Hồng Ngọc, sinh năm 1993 ở phường Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) điều khiển, vận chuyển 25 thùng cá khoai có trọng lượng 250 kg. Qua kiểm tra, xác minh, toàn bộ số cá khoai nói trên đều cho kết quả dương tính với chất phóc-môn. Đây là một loại chất cấm trong sản xuất, bảo quản và chế biến thực phẩm.
Theo lời khai của Vũ Hồng Ngọc, số cá khoai này được Ngọc mua từ tỉnh Quảng Bình về Thanh Hóa để bán lại cho các tiểu thương ở các chợ trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Không khí ở miền Bắc tiếp tục ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân
Trong các ngày 20-21/1 và dự báo những ngày tiếp theo, cùng với kết quả quan trắc của các ứng dụng PAM Air, AirVisual cảnh báo chất lượng không khí cho thấy, nhiều nơi ở Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Kạn, Hòa Bình, đặc biệt tại Hà Nội bị bao phủ bởi một lớp sương mù dày, hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông, không khí ô nhiễm nặng, một số nơi chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Ô nhiễm tập trung cao vào đêm và sáng, có nhiều ngày ô nhiễm kéo dài cả ngày do tình trạng sương mù dày duy trì nên không có nắng, trời lặng gió. Ở những thời điểm ô nhiễm bụi tăng cao, các bác sỹ khuyến cáo, người dân mang những loại khẩu trang có kích thước lọc nhỏ, cần hạn chế ra đường, nhất là vào giờ cao điểm bởi thời điểm này nồng độ bụi mịn cao do lượng xe lưu thông lớn, kẹt xe làm thời gian tiếp xúc dài với bụi mịn và lượng bụi mịn đi vào cơ thể nhiều; hạn chế các hoạt động thể lực, thể thao gần đường giao thông, hạn chế hút thuốc lá, đốt hương. Người dân sắp xếp chế độ sinh hoạt hay đi lại phù hợp, chẳng hạn nếu vào thời điểm mức độ ô nhiễm không khí tăng cao thì nên ở trong nhà, hạn chế ra ngoài đường, chạy máy lọc không khí, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài.
Theo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong các tháng đầu năm 2021, chất lượng môi trường không khí tại các đô thị phía Bắc vẫn còn ở mức xấu. Một số đợt ô nhiễm không khí có thể sẽ tiếp tục diễn ra, vì vậy người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về ô nhiễm không khí để có các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động. Người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời vào ban đêm và sáng sớm, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, sử dụng loại khẩu trang ngăn được bụi mịn khi không khí ô nhiễm.
Các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa phương cần tiếp tục thực hiện kiểm soát ô nhiễm không khí theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 7442/BTNMT-TCMT ngày 30/12/2020 về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi và các quy định khác của pháp luật về bảo vệ môi trường. Với các điều kiện khí tượng bất lợi vào mùa Đông, cộng hưởng với gió mùa Đông Bắc mang theo một lượng lớn bụi từ phía Bắc đến Việt Nam gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Thời gian xuất hiện ô nhiễm không khí với chỉ số chất lượng không khí ở mức cao tiếp tục diễn ra chủ yếu vào ban đêm vào sáng sớm. Các nghiên cứu khoa học đã giải thích cho hiện tượng ô nhiễm không khí tại khu vực miền Bắc tăng cao vào ban đêm và sáng sớm, đó là sự kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao hoặc đi xa.
Kết quả quan trắc chất lượng không khí tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021 tại các trạm quan trắc không khí tự động liên tục ở một số đô thị miền Bắc, Trung, Nam cho thấy, giá trị trung bình 24 giờ của thông số bụi PM2.5 tại thành phố Hà Nội cao hơn so với các đô thị khác. Riêng thủ đô Hà Nội đã có 22/34 ngày giá trị trung bình 24 giờ của thông số bụi PM2.5 vượt giới hạn cho phép so với QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,2 đến 2 lần. Có ngày, thông số PM2.5 trung bình 24 giờ đã vượt quá giới hạn cho phép trên 3 lần.