Đã có nhiều mô hình thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ được triển khai hiệu quả ở các cấp, các ngành trong thời gian qua. Những biện pháp nâng cao bình đẳng giới này tiếp tục được Việt Nam tập trung triển khai trong thời gian tới...
Giúp phụ nữ tìm lại sự bình yên
Ngôi nhà bình yên thuộc quản lý của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phụ nữ mỗi năm đón hàng trăm phụ nữ bị bạo lực gia đình đến lưu trú. Đa phần chị em sau khi rời khỏi đây đều có tâm lý thoải mái, đặc biệt, họ đã hiểu ra mình có rất nhiều quyền lợi được quy định trong pháp luật, nhất là quyền bình đẳng giới.
Chị Bùi Thị H (ở tỉnh Hưng Yên) cho biết, chị sắp rời khỏi đây để về với gia đình sau hơn hai tháng lưu trú. Với tin tưởng, sau lần "trốn" nhà bỏ đi, chồng chị sẽ thay đổi tính nết mà không hành hạ chị nữa. "Vào đây, tôi được các bạn tư vấn pháp luật rất kỹ. Nếu sau này ông ấy còn vũ phu, tôi sẽ có cách bảo vệ mình", chị H chia sẻ.
Theo lời chị H, chồng chị vốn là người gia trưởng và vô cùng đa nghi. Chỉ vì ghen tuông vô cớ mà không biết bao lần chị phải nhập viện sau khi hứng chịu trận đòn của chồng. Nhưng điều trớ trêu là anh ta ghen không phải vì yêu vợ mà vì bản thân là người lăng nhăng, hay ngoại tình nên luôn muốn kiểm soát, chỉ sợ vợ cũng giống mình. " Có lần đang đánh vợ, hàng xóm sang ngăn, bị ông ta chửi nên mọi người tránh xa", chị H cho hay.
Triền miên trong suốt 30 năm làm vợ, chị H bị chồng bạo hành đến mức suy sụp tinh thần không biết bấu víu vào đâu. Không ít lần chị "cầu cứu" chính quyền địa phương nhưng cũng không thể giải quyết triệt để vì họ chỉ đến khuyên can, hòa giải.
Tình cờ một lần nghe có người mách, chị tìm đến Trung tâm Phụ nữ và Phát triển để xin được lưu trú. Trong hai tháng ăn ở tại đây, chị H như biến thành một người khác khi tư tưởng được "khai thông". "Tôi không thể tin nổi mình có thể chịu đựng được việc chồng hành hạ trong ngần ý năm".
Chị H cho biết, từ ngày bỏ đi, chồng chị mấy lần lên Hà Nội tìm và gọi điện thoại xin lỗi nhưng chị nhất định không gặp. "Tôi bắt ông ý phải viết giấy cam kết rồi xin dấu chứng nhận của xã mới đồng ý quay về", chị H chia sẻ.
Chị Đỗ Anh Châm, nhân viên phụ trách Ngôi nhà bình yên cho biết, địa chỉ này được xây dựng trong thành phố, hoàn toàn được giữ bí mật để đảm bảo an toàn cho các nạn nhân. Theo chị Châm, khi các chị em tiếp xúc với phòng tham vấn thì đến 80% muốn ở lại Ngôi nhà bình yên và đến 95% hài lòng sau khi rời khỏi đây. "Sau khi tiếp nhận, chúng tôi liên lạc về địa phương để thông báo và đề nghị chính quyền phối hợp trong việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em sau khi quay về", chị Châm cho biết.
Theo chị Đỗ Anh Châm: Trung tâm sẽ cung cấp gói dịch vụ rất toàn diện: nơi ở an toàn, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tâm lý, trợ giúp pháp lý, học nghề, giới thiệu việc làm. Mỗi nạn nhân khi đến với Ngôi nhà bình yên đều được một nhân viên xã hội chăm sóc chu đáo, luôn bên cạnh như người bạn đồng hành, chia sẻ tâm sự để hiểu được rõ hơn hoàn cảnh của những nạn nhân, giúp họ lấy lại cân bằng trong cuộc sống. "Điểm khác biệt với những nơi lưu trú khác là những nạn nhân trong thời gian ở đây sẽ được tư vấn những kỹ năng ứng phó với bạo lực tùy vào từng hoàn cảnh. Sau khi trở về, phụ nữ cũng sẽ được theo dõi, trợ giúp trong vòng hai năm để giúp họ ổn định cuộc sống. Thậm chí, trung tâm cũng hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm cho những người có nhu cầu.
Ngôi nhà bình yên- người bạn đồng hành
Chị H cùng rất nhiều phụ nữ rất hài lòng về chất lượng dịch vụ của Ngôi nhà bình yên, nhưng ai cũng muốn sớm được rời ra nó, trở về với gia đình mình. "Tôi sót ruột lắm, con cái, ruộng vườn ở nhà không ai chăm. Bất đắc dĩ mới phải đến đây thôi", chị H tâm sự.
Theo Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Phạm Thị Hương Giang, hầu hết phụ nữ và trẻ em tìm đến đây là do đã đến bước đường cùng, không còn lối thoát nào và cũng không thể chịu đựng được hơn. "Có những người bị sang chấn tinh thần quá nặng sinh ra trầm cảm, sợ hãi tiếp xúc với người xung quanh nên chúng tôi phải gửi đến bệnh viện một thời gian để điều trị", bà Giang cho biết.
Theo thống kê của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, từ khi được thành lập (tháng 3/2007) đến nay, “Ngôi nhà bình yên” đã hỗ trợ được tổng số hơn 1.000 nạn nhân đến từ 48 tỉnh, thành trên cả nước, một phần hai trong số đó là nạn nhân của bạo lực gia đình. “Ngôi nhà bình yên” cũng đã hỗ trợ tham vấn cho trên 8.000 trường hợp gặp hoàn cảnh khó khăn khác.
"Không ai có quyền quyết định được cuộc sống của người khác. Đó là lý do Ngôi nhà bình yên đang nỗ lực với sứ mệnh hỗ trợ các chị em phụ nữ và trẻ em có được kiến thức, kỹ năng để tự tin và chủ động đưa ra những quyết định cho cuộc sống", bà Phạm Thị Hương Giang cho biết.
Bên cạnh duy trì hoạt động của “Ngôi nhà bình yên”, hàng năm Trung tâm Phụ nữ và Phát triển còn tổ chức rất nhiều các hoạt động truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực giới trong các tầng lớp. Một trong những hoạt động quan trọng là việc thành lập nên nhóm Tự lực như cánh tay nối dài trong nỗ lực phòng, chống bạo lực gia đình. Đến nay, số lượng thành viên của nhóm đã lên tới trên 70 người, chủ yếu là phụ nữ tại Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận.
Những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về xây dựng các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình. Một loạt các bộ luật đã được ban hành và đi vào cuộc sống như: Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em… Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Hương Giang, tình trạng bạo lực gia đình vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan của người trong cuộc, trách nhiệm của những người thực thi, bảo vệ pháp luật vẫn chưa thật sự đầy đủ; việc thực thi trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em có lúc, có nơi còn chưa đúng mức, kịp thời.
"Đã đến lúc cần xem xét cả trách nhiệm của Chủ tịch UBND và cán bộ giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương nơi để xảy ra phổ biến tình trạng bạo lực gia đình", bà Giang nêu ý kiến
Cũng theo bà Giang, hiện nay các địa chỉ tạm lánh vẫn còn rất ít. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang đề xuất Chính phủ cho phép mở rộng hoạt động của mô hình Ngôi nhà bình yên để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhiều phụ nữ, trẻ em đã đang là nạn nhân của tình trạng bạo lực trong gia đình, giúp họ tìm lại được cuộc sống bình yên mà họ xứng đáng được hưởng...