Vất vả là vậy, nhưng trong tình huống bất khả kháng của mùa dịch COVID-19, những “chiến sĩ” ấy lại phải nhanh nhạy thay đổi phương án tác chiến để phù hợp với tình hình mới, đảm bảo mỗi “trận đánh” đều phải chắc thắng và an toàn.
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực I là đơn vị trực thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, thực hiện chức năng tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển từ ranh giới phía Bắc vùng biển tỉnh Quảng Ninh đến ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Quảng Bình.
Mới đây, chúng tôi may mắn được cùng các anh tham gia nhiều tình huống phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển. Những chuyến lênh đênh vượt sóng ra khơi trên con tàu SAR 411 hay SAR 273 luôn là những chuyến đi đầy trách nhiệm và thử thách. Gặp những ngày giông bão, không chỉ phải duy trì sức bền tránh bị say sóng trên con tàu luôn chao đảo như con lắc đồng hồ, các “chiến sĩ” của tàu cứu nạn còn phải hiệp đồng, tác chiến hiệu quả để xử lý tình huống cứu người bị nạn, hỗ trợ lai dắt phương tiện bị nạn về nơi an toàn nhất.
Năm 2019, Trung tâm đã tiếp nhận và xử lý thông tin 118 vụ việc liên quan đến tìm kiếm cứu nạn, trong đó báo nạn thật là 98 vụ, đã cứu và hỗ trợ 50 phương tiện, 581 người.
Ông Vũ Văn Cự, Trưởng Liên tập đoàn nghề cá Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) cho biết: Lực lượng phối hợp tìm kiếm cứu nạn luôn là những “bà đỡ” đồng hành cùng ngư dân trên biển. Mỗi khi bà con không may gặp nạn, lực lượng tìm kiếm cứu nạn cùng hệ thống Đài thông tin Duyên hải, kiểm ngư, biên phòng luôn là những địa chỉ thường trực hỗ trợ ứng cứu bà con nhanh chóng và kịp thời nhất. Trong nhiều năm qua, không ít người dân đánh cá của Liên tập đoàn nghề cá Lập Lễ bị tai nạn “thập tử nhất sinh” đã được lực lượng cứu hộ ứng cứu trở về an toàn. Có lực lượng này, bà con rất yên tâm bám biển sản xuất, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Khó khăn là thế, nhưng trong tình hình mới, bất khả kháng của mùa dịch COVID-19, lực lượng phối hợp, tìm kiếm cứu nạn lại đặt ra cho mình thêm những phương án mới để đảm bảo hiệu quả, an toàn, tránh lây lan dịch bệnh.
Ông Đào Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực I chia sẻ, khi nhận được chỉ đạo của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, đơn vị đã họp bàn, nghiên cứu các phương án, tình huống để đưa ra phương án phù hợp nhất từ việc đảm bảo giãn cách đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng cứu ngoài hiện trường. Từ khâu trực, xác định lịch trình di chuyển của ngư dân, thuyền viên, đánh giá khả năng bị nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 của các trường hợp cần ứng cứu, phương án bảo đảm cách ly trong quá trình cứu hộ, hay phương án cách ly sau đó cũng đều được tính toán kỹ lưỡng. Anh em cán bộ, thuyền viên cũng đã được huấn luyện thông qua các kịch bản giả định, đảm bảo khi có tình huống thật xảy ra, tránh bị động bất ngờ, bảo đảm cứu nạn hiệu quả.
Từ phương án đó, những ngày này, các công việc trên tàu SAR 411 hay SAR 273 cũng đã được phân công khoa học hơn. Thuyền viên Tàu SAR 411 được chia làm 2 nhóm, thay phiên hàng tuần. Tàu tích trữ lương thực, thực phẩm, nước ngọt tối đa; tiến hành vệ sinh, khử trùng trước khi thay phiên. Toàn bộ thuyền viên SAR 411 tuyệt đối không tiếp xúc với bất kỳ cá nhân nào của Trung tâm khu vực I trong thời gian ứng trực phòng, chống COVID-19; tàu SAR 273, các cano tổ chức trực theo ca độc lập, không rời phương tiện trong ca trực...