Tìm giải pháp để phổ biến đèn Led

Đèn Led được sử dụng tại Việt Nam đã được chừng 4 năm. Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng đèn Led vẫn chưa được phổ biến trên các đường phố cũng như các hộ gia đình nước ta. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm giải pháp triển khai, nhân rộng sử dụng loại đèn này.

“Le lói” đèn Led


Hiện tại tất cả hệ thống trang trí chiếu sáng trên đường phố Hà Nội đều đã sử dụng đèn Led, đặc biệt là các địa điểm, tuyến đường như hồ Hoàn Kiếm, hồ Thuyền Quang, Ngã Tư Sở, Trần Duy Hưng, Nguyễn Trãi, Kim Mã, Tràng Tiền, Bà Triệu…”Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của loại đèn này là chi phí đầu tư ban đầu cao”- kỹ sư Lê Trung Kiên thuộc công ty Hapulico, cho biết.

Đèn Led hiện có mặt tại nhiều tuyến đường lớn ở thủ đô.


Hiện nay, chi phí để đầu tư cho một bộ đèn Led có công suất 100 - 160W là 15 - 20 triệu đồng, những bộ đèn Led của các hãng lớn như PHILIPS giá còn cao hơn nhiều. Trong khi chi phí đầu tư cho một bộ đèn chiếu sáng đường phố sử dụng bóng Sodium (bóng đèn sodium chỉ có thành phần natri, tuổi thọ của bóng có thể lên đến 10.000 giờ) là 3 – 3,5 triệu đồng. Do đó, đèn Led chưa phổ biến trong các tư gia. Thêm vào đó, với những đường phố lớn có mặt cắt ngang rộng, phải sử dụng đèn Led có công suất lớn từ 200W trở lên, trên thị trường Việt Nam hiện có ít hãng cung cấp chủng loại này (do đèn Led chiếu sáng đường phố công suất lớn từ 200W trở lên phải dùng tản nhiệt cưỡng bức, quạt làm mát hoặc sử dụng bộ tản nhiệt rất lớn làm tăng kích thước bộ đèn và có giá thành rất cao). Đặc biệt, hiện tại chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng cho phù hợp với khí hậu nóng, ẩm và đặc thù đường phố Việt Nam cũng như chưa có tiêu chuẩn chất lượng để đánh giá chất lượng sản phẩm của các nhà cung cấp. Hiện tại tiêu chuẩn của sản phẩm vẫn chỉ do đơn vị sản xuất tự xây dựng.

Một nghiên cứu đo hiệu suất của 4.250 đèn Led lắp đặt tại 35 địa điểm cho thấy tiết kiệm được hơn 3,4 triệu kWh mỗi năm khi so sánh với các hệ thống chiếu sáng trước đó. Với chip phát sáng tia Blue, đèn Led ánh sáng trắng đã đạt tới hiệu suất 200 Lm/w, hiệu suất cao nhất trong các nguồn sáng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, để công nghệ hiện đại này sớm được áp dụng tại Việt Nam, cần rất nhiều sự nỗ lực của giới khoa học và nhà quản lý cũng như doanh nghiệp.

Trong khi đó, kinh phí đầu tư của Nhà nước cấp cho các đơn vị quản lý chiếu sáng tại các đô thị mới chỉ đảm bảo cho công tác duy trì hệ thống chiếu sáng và lắp đặt bổ sung tại đường phố và còn ngõ chưa có chiếu sáng. Kinh phí dành cho công tác đầu tư mới và thay đổi công nghệ rất hạn chế. Thiếu cơ chế chính sách, hiện chưa có đơn giá, định mức cho đèn Led chiếu sáng đường phố là những khó khăn đối với đơn vị nào muốn ứng dụng đèn Led. “Tại Việt Nam, đèn Led đắt, giá điện rẻ dẫn đến cơ chế thu hồi kinh phí đầu tư thay thế đèn Sodium bằng đèn Led nhằm tiết kiệm điện rất khó khăn. Công tác xã hội hóa, huy động các nhà sản xuất tham gia đầu tư để cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng hiện có còn nhiều hạn chế”- kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn nói.

Ông Nguyễn Đoàn Thăng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chiếu sáng Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cũng cho biết, trên thị trường, nhiều sản phẩm chiếu sáng Led có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc một số đơn vị nhập linh kiện về lắp ráp, sao chép tạo ra những sản phẩm kém chất lượng, gây ấn tượng xấu với người tiêu dùng. Đây cũng là một khó khăn mà công nghệ đèn Led phải đối mặt.

Cần cơ chế khuyến khích

Ngày 10/12/2014, tại Stockholm, Thụy Điển, Giải Nobel Vật lý 2014 được trao cho hai nhà khoa học Nhật Bản và một nhà khoa học Mỹ gốc Nhật bởi “phát minh ra các diode phát ánh sáng màu xanh (blue Led) cho phép tạo ra các nguồn sáng trắng sáng hơn và tiết kiệm năng lượng”. Hội đồng trao giải Nobel Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển (RSAoS) cho biết khi ba khoa học gia tạo ra các diode phát ánh sáng xanh dương những năm đầu 1990, đã giúp giải quyết một vấn đề nan giải kéo dài hàng chục năm trước đó về công nghệ ánh sáng từ đèn Led và tạo ra một bước ngoặt lớn trong công nghệ chiếu sáng.

Theo kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc công ty Hapulico, để đèn Led từng bước đi vào cuộc sống, cần xây dựng và ban hành cơ chế huy động các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong nước. Đó là các cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính liên quan đến ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng, giá cả nhằm khuyến khích các tổ chức các tham gia đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng cơ sở công cộng ứng dụng đèn Led thân thiện với môi trường và tiết kiệm điện năng. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư cho chiếu sáng công cộng, xây dựng cơ chế chính sách huy động đóng góp của người dân và nhà nước cùng thực hiện đầu tư. Không những vậy cần nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn trong chiếu sáng.

Về phía các doanh nghiệp sản xuất đèn Led chiếu sáng đường phố, cần nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới để sản xuất các sản phẩm đèn Led đồng bộ đạt chất lượng cao, phù hợp với các đô thị Việt Nam. Bên cạnh đó cần tăng cường các hoạt động liên ngành trong phổ biến kiến thức, tuyên truyền, sử dụng tiết kiệm điện và sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao. Điều không kém phần quan trọng là xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho các công ty quản lý chiếu sáng bao gồm đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và bảo dưỡng đèn Led trong chiếu sáng đường phố đạt hiệu quả cao. Làm được như vậy, trong thời gian không xa, đèn Led sẽ được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày.

Bài và ảnh: Tuấn Anh

Đèn LED “thắp sáng” Nobel Vật lý 2014
Đèn LED “thắp sáng” Nobel Vật lý 2014

Bóng đèn LED, một loại đèn dùng nguồn ánh sáng thân thiện với môi trường và tốn ít năng lượng, đã “thắp sáng” giải Nobel Vật lý năm 201đèn LED,4, đồng thời làm rạng tên tuổi của ba nhà khoa học gốc Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN