“Tiếp sức” cho gia súc chống rét

Theo thống kê, đến thời điểm này đã có 28.600 gia súc bị chết rét. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sắp tới vẫn còn nhiều đợt rét đậm, rét hại nữa.


PV Tin Tức đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát về việc triển khai các giải pháp tránh rét cho gia súc trong thời gian tới.

Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ đã triển khai những biện pháp gì để giúp người dân tránh rét cho gia súc trong thời gian qua?

Các đợt rét đậm, rét hại trong thời gian vừa qua không thua kém so với đợt rét đậm năm 2008. Nhưng do được dự báo từ trước nên người dân và các cấp chính quyền đã chủ động bảo vệ gia súc và cây trồng nên đã hạn chế được tác hại của những đợt rét đậm, rét hại vừa qua.


Tuy nhiên, thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp nên các địa phương cần triển khai quyết liệt hơn nữa những biện pháp bảo vệ gia súc, gia cầm.

Tăng cường thức ăn giàu dinh dưỡng cho đàn bò sữa của một hộ chăn nuôi ở xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Vừa qua, chúng tôi đã đi kiểm tra tình hình chống rét cho gia súc ở các tỉnh miền núi. Qua kiểm tra cho thấy, việc triển khai các biện pháp chống rét chưa đồng đều, ở ngay cùng một xã, một thôn và trong cùng một hoàn cảnh mà có người làm tốt nhưng vẫn có hộ để gia súc bị chết rét.


Do vậy, các địa phương cần thông tin kịp thời tới nhân dân về diễn biến thời tiết, hướng dẫn cụ thể những biện pháp kỹ thuật để bảo vệ gia súc cũng như cây trồng. Trực tiếp nhất là cấp xã và cấp thôn, bản, phải chủ động và tích cực thông tin, hướng dẫn người dân về cách chống rét cho gia súc.

Đã có 28.600 gia súc bị chết rét. Bộ có chính sách hỗ trợ cho những hộ có gia súc bị chết do rét không, thưa Bộ trưởng?

Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính tới ngày 25/1/2011, đã có trên 28.600 con gia súc bị chết do rét, chủ yếu là các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều nhất là: Lạng Sơn 5.200 con; Cao Bằng 4.500 con; Lào Cai 3.400 con; Sơn La 2.300 con; Lai Châu 3.600 con; Hà Giang 1.800 con, Điện Biên 1.300 con, Yên Bái 1.200 con... Theo Cục trưởng Cục chăn nuôi Hoàng Kim Giao, Cục đã và đang cử các đoàn công tác đi các tỉnh, thành phố để cùng với cán bộ địa phương đến từng thôn, bản hướng dẫn cho người chăn nuôi thực hiện việc chống đói, rét cho gia súc.

Chính phủ đã có Quyết định 142 về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất đối với vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Trong đó, quy định rất rõ những chính sách hỗ trợ sau thiên tai, trong đó có thiệt hại do rét gây ra. Cụ thể như đối với trâu, bò thì được hỗ trợ con giống tới 2 triệu đồng/con.

Hiện nay, Bộ khuyến khích các địa phương chủ động sử dụng ngân sách theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ để hỗ trợ cho nhân dân về các phương tiện để quây bao chuồng trại, giúp gia súc tránh rét, tránh gió; bổ sung thức ăn tinh như một số địa phương đã làm là cấp cho mỗi con trâu, bò 5 - 10 kg ngô, lúa để nấu cháo cho gia súc ăn bổ sung.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Cách chống rét cho gia súc:

Cần nhiều nguồn thức ăn khác nhau để đáp ứng việc nuôi gia súc nhốt chuồng trong khoảng thời gian dài. Do đó, phải tích cực trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Cùng với đó, có thể tận dụng các loại phế phụ phẩm của cây lúa, cây ngô... và tưới ít nước muối cho gia súc ăn.


 Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, cần phải bổ sung chất tinh bột như cháo loãng, bột ngô, cám gạo để tăng cường dinh dưỡng cho gia súc.


 Theo kinh nghiệm dân gian, có một cách chống rét khá hiệu quả là cho gia súc uống nước ấm pha với muối, vùng nào trồng được cây thảo quả thì cho gia súc ăn một ít thảo quả để tăng thân nhiệt, sức đề kháng. Không thả rông gia súc khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, lấy bạt che phủ chuồng trại, đốt lửa, hun trấu trong chuồng, kể cả việc tận dụng bao tải để mặc cho gia súc khỏi rét.

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Trí Ngọc: Theo dự báo, rét đậm, rét hại còn kéo dài tới Lập xuân (ngày 4/2 âm lịch), hơn nữa tỷ lệ các ngày rét hại nhiều hơn so với đợt rét năm 2008.


Ban ngày, nhiệt độ cao nhưng ban đêm nhiệt độ xuống rất thấp, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn nên ảnh hưởng không nhỏ tới sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.


Do đó, đến thời điểm này đã có hơn 200 ha mạ bị chết, 4.000 ha lúa có khả năng không sống được. Do vậy, phải giữ được những diện tích đã gieo bằng cách che phủ ni lông tuyệt đối. Ban ngày rút nước ra, ban đêm đưa nước vào, tăng cường bón tro bếp, không được bón đạm và NPK.



Hữu Vinh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN