*Ngày 14/2, UBND tỉnh Hà Tĩnh công bố dịch cúm gia cầm tại xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, đồng thời có công văn khẩn chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống dịch. Theo đó, vùng có dịch thuộc xã Kỳ Trinh, các vùng bị dịch uy hiếp gồm các xã Kỳ Hưng, Kỳ Thịnh, Kỳ Lợi và thị trấn Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh.
UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh và các cơ quan chức năng, UBND xã Kỳ Trinh và các xã thuộc vùng bị dịch uy hiếp tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, lập các chốt gác kiểm dịch. Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh cùng với huyện Kỳ Anh đã tiêu hủy 1.453 con gia cầm, trong đó có 1.425 con vịt và 28 con ngan của 6 hộ thuộc thôn Đông Tiến, xã Kỳ Trinh. Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh đã cấp hàng trăm lít hóa chất và trên 5 tấn vôi bột, cùng các trang thiết bị máy phun, khẩu trang, găng tay, để tiêu độc khử trùng tại thôn Đông Tiến (Kỳ Trinh), Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) và lập cam kết với các hộ chăn nuôi gia cầm không được mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm.
*Theo kết quả xét nghiệm của Thú y vùng VII tại Cần Thơ, ngày 14/2, đàn vịt 350 con của hộ ông Nguyễn Minh Thủy ở ấp Mỹ Khánh B, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã có kết quả dương tính với cúm A/H5N1. Trong khi đó, Thú y Sóc Trăng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ 350 con vịt của hộ nuôi bị bệnh, khử trùng và các biện pháp khống chế dịch tại địa bàn xảy ra dịch cúm ở ấp Mỹ Khánh B, xã Long Hưng.
Như vậy, tính từ đầu tháng 2 đến nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có 4 ổ dịch cúm gia cầm dương tính với cúm A/H5N1 gồm ổ dịch tại ấp B1, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh trị (đã có 1 người chết do làm thịt gà chết từ trước Tết Nguyên đán); ổ dịch 400 con tại ấp Hòa Thượng, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên; ổ dịch tại ấp Vũng Đùn, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên và ổ dịch mới có kết quả dương tính với cúm A/H5N1 tại xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú. Hai địa phương khác có gia cầm chết là xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú và xã Thới An Hội, huyện Kế Sách. Hiện đã có 4 huyện có gia cầm bệnh chết. Ngành thú y Sóc Trăng đã tiêu hủy trên 3.200 con gà, vịt bị bệnh và thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bao vây, dập dịch, hạn chế lây lan, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
lNgành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang đẩy mạnh phòng, chống cúm gia cầm. Theo Chi cục Thú y, toàn tỉnh hiện có khoảng 2 triệu liều vắcxin, trong khi đó, nhu cầu cho cả năm 2012 vào khoảng 7 triệu liều. Bến Tre có khoảng 3,5 triệu gia cầm và việc tiêm chủng phòng cúm sẽ được tiến hành 2 lần mỗi năm. Trước mắt, nguồn vắcxin được ưu tiên cho các địa phương ở vùng nguy cơ cao như: Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú, đồng thời tăng cường công tác vệ sinh, khử độc tiêu trùng và quản lý chặt chẽ hơn việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ tại các khu vực này. Bên cạnh đó, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với các cấp liên quan tăng cường quản lý đàn vịt chạy đồng - đối tượng có khả năng lan truyền dịch bệnh cao.
*Trước tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 đang “trở lại” và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết: Cùng với các biện pháp dập dịch, Cục Thú y đã cấp cho mỗi địa phương có dịch 500.000 liều vắcxin để dập dịch và phòng tránh lây lan trên diện rộng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thành lập 7 đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch tại các địa phương.
TTN