Thuê đơn vị thi công không có chuyên môn, gây tai nạn lao động thương tâm

Ông Mai Quang Hùng, Trưởng Ban An toàn (Tổng công ty điện lực Miền Bắc) xác nhận, vụ tai nạn sự cố điện giật làm chết 4 người và bị thương 3 người tại xóm Xuân Sơn (xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) ngày 26/6 do đơn vị thi công không có chuyên môn, vi phạm hành lang an toàn lưới điện 35 kV.

Hiện trường vụ tai nạn điện giật thương tâm tại Quỳ Hợp, Nghệ An làm 4 người chết. Ảnh: Báo Nghệ An.

Ngày 29/6, tại Hội nghị tập huấn truyền thông về an toàn, vệ sinh lao động diễn ra tại Hải Phòng, ông Mai Quang Hùng cho biết, vụ tai nạn về điện tại Quỳ Hợp, Nghệ An là vụ tai nạn nghiệm trọng nhất liên quan đến ngành điện trong hơn 1 năm trở lại đây. Theo điều tra ban đầu của Ban an toàn, một nhóm người ở xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp được một đơn vị viễn thông Viettel thuê thi công dựng cột viễn thông cho đường dây cáp đi qua thôn Xuân Sơn, xã Hạ Sơn. Tuy nhiên nhóm người này không có chuyên môn về ngành điện nên dựng cột ngay dưới đường dây 35 kV, vi phạm an toàn lưới điện. Khi khoảng cách không an toàn, điện phóng từ đường dây 35kV làm chết 4 người, 2 người bị bỏng đang điều trị, 1 người hoảng loạn tâm lý.


“Dù đây là lưới điện thuộc quyền quản lý của một nhà máy trong vùng, nhưng việc đảm bảo an toàn lưới điện thuộc trách nhiệm cả địa phương, nhà đầu tư và ngành điện. Qua điều tra bước đầu, đơn vị thi công chỉ là một nhóm người địa phương không có chuyên môn, không thông báo cho đơn đơn vị quản lý điện địa phương dù đã có biển báo nguy hiểm”, ông Mai Quang Hùng cho biết.


Còn ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết: Vụ tại nạn thương tâm về điện tại Quỳ Hợp, Nghệ An là điển hình cho tình trạng một số doanh nghiệp lớn thuê lại các doanh nghiệp nhỏ, không được tập huấn chuyên môn về an toàn lao động với mục đích giảm chi phí. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường cắt bỏ các chương trình tập huấn an toàn lao động, không có thiết bị bảo hộ… Đây là tiềm ẩn lớn về tai nạn lao động gia tăng trong thời gian qua.


“Đối với vụ tai nạn về điện tại Quỳ Hợp, Nghệ An, Cục An toàn lao động đã thông tin với Sở LĐTBXH địa phương, yêu cầu có báo cáo cụ thể. Theo báo cáo ban đầu, đơn vị thi công thuê một nhóm lao động địa phương không có chuyên môn theo hình thức khoán và chưa được tập huấn an toàn lao động”, ông Nguyễn Anh Thơ cho biết.


Năm 2017, cả nước xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động, làm 9.173 người bị nạn, trong đó có 928 người chết, 1.915 người bị thương nặng. Tai nạn lao động xảy ra nhiều ở những địa phương có các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, hầm mỏ như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đồng Nai,... Trong 6 tháng đầu năm nay, tình trạng tai nạn lao động vẫn có chiều hướng gia tăng, nhất là khi đối chiếu với con số thương vong từ ngành y tế. Số vụ tai nạn lao động theo ước tính của Cục An toàn lao động cao gấp 3 lần con số báo cáo từ địa phương.


Nhằm cải thiện tình trạng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Cục An toàn lao động đề nghị các cơ quan chức năng triển khai rộng rãi Luật An toàn vệ sinh lao động, tăng cường ý thức chủ động phòng ngừa, tiến tới đẩy lùi các nguy cơ mất an toàn lao động. Đặc biệt là ở khu vực không có quan hệ lao động. Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra và xử phạt thật nặng các đơn vị vi phạm an toàn lao động.


XC/Báo Tin tức
Hướng tới qui định tuổi nghỉ hưu của nữ phải bằng nam
Hướng tới qui định tuổi nghỉ hưu của nữ phải bằng nam

Trong đề xuất phương án tăng tuổi nghỉ hưu, một điểm đang thu hút sự chú ý là mức tăng tuổi nghỉ hưu của nữ. Theo phương án Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) đề xuất để đưa vào dự thảo Luật Lao động sửa đổi, tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN