Tính đến chiều 2/8, cơ quan chức năng tại Hà Nội xác định có 8 siêu thị VinMart và 15 cửa hàng VinMart+ phải tạm đóng cửa để rà soát các F liên quan F0 của nhà cung cấp thực phẩm Thanh Nga; các siêu thị, cửa hàng còn lại của Vinmart vẫn hoạt động bình thường.
Theo nhân viên cửa hàng Vinmart phố Bạch Mai, Thanh Nhàn, Lò Đúc…thời gian gần đây, thực phẩm như thịt, rau về chậm hơn nhiều so với trước.
“Trước kia, cứ tầm 7 đến 8 giờ sáng là có các khay thịt mới, ví dụ của Meat Deli. Nhưng giờ phải đến trưa, thậm chí đầu giờ chiều mới có hàng. Sáng sớm chỉ có mặt hàng rau của Vinmart nhập về sớm nhưng về đến đâu là khách mua hết đến đó. Gần đây không có sản phẩm trứng để bán vì lượng hàng chuyển vào trong Nam rất nhiều”, nhân viên Vinmart Bạch Mai chia sẻ. Tình trạng này cũng diễn ra tại một số cửa hàng của Hapro.
Tại cửa hàng Bác Tôm phố Nguyễn Công Trứ, một số nhân viên cho biết: Lượng rau củ quả đợt này về chậm vì phải qua các chốt kiểm dịch nhiều. “Nay lượng khách lẻ, khách vãng lai tới mua hàng đông gấp 2 - 3 lần so với trước vì một số điểm bán của Vinmart phải đóng cửa, trước đó 2 cửa hàng Sói Biển ở Trung Kính (Cầu Giấy) và phố Trần Nhân Tông cũng phải tạm dừng vì có nhân viên mắc COVID-19. Mặt hàng trứng nhập về khá ít, khách mua hết từ sớm”, nhân viên Bác Tôm cho biết.
Theo nhân viên quản lý cửa hàng Bác Tôm, để kiểm soát dịch tốt hơn, từ ngày 3/8, Bác Tôm sẽ đề nghị khách xếp hàng bên ngoài, chỉ nhận đơn hàng qua giấy rồi nhân viên chọn hàng; hoặc mỗi lượt chỉ cho 3 đến 4 người vào mua.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 2/8, bà N.T.M ngõ 402 phố Bạch Mai, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Việc mua thực phẩm tươi sống, rau củ quả tại chợ dân sinh gặp khó vì theo phiếu đi chợ, những hộ dân ở phường Bạch Mai không được đi chợ ở phường khác như chợ Bách Khoa, trong khi chợ dân sinh ở ngõ Lò Lợn, phường Bạch Mai lại bị dừng hoạt động; chợ Trại Găng phố Bạch Mai vẫn bị phong tỏa vì liên quan tới ổ dịch COVID-19. Trong khi đó, một số hộ kinh doanh rau, thịt trên phố Bùi Ngọc Dương thuộc phường Bạch Mai cũng không được bán”.
Trước tình hình này, bà N.T.M đã liên hệ được một số tiểu thương mang thực phẩm tới tận nhà. Do khách quen nên giá một số mặt hàng không tăng như: Thịt bò thăn là 250.000 đồng/kg; mì gói miliket 3.000 đồng/gói; bánh đa mỳ chũ 13.000 đồng (loại 4 lạng). Riêng mặt hàng trứng gà, vịt biến động, trước là 35.000 đồng/chục thì nay 40.000 đồng/chục; đậu phụ mơ là 5.000 đồng/3 bìa. Trong khi đó tại chợ Nguyễn Cao, trứng gà được bán với giá 50.000 đồng. Các tiểu thương nơi đây đều cho biết, mặt hàng trứng rất khan hiếm.
Giải thích cơn “sốt” trứng thời gian qua, TS Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết: Hiện các sản phẩm chăn nuôi đáp ứng được bình diện chung nhưng chỉ có sản phẩm trứng gia cầm là thiếu một chút. Theo ước tính của Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, sản lượng sản xuất trứng hàng ngày khoảng 32 - 33 triệu quả/ngày, thời điểm cao nhất là sản xuất 41 - 42 triệu quả/ngày nên nguồn cung thiếu hụt một ít.
“Vừa rồi nhiều tỉnh, thành phố giãn cách xã hội nên có hiện tượng thu gom, tích trữ của người dân, đẩy cầu tăng đột biến. Vào thời điểm này, nhu cầu làm bánh Trung thu cũng cần rất nhiều trứng, các nhà máy thu gom trứng nên đẩy giá trứng tăng cao”, TS Nguyễn Thanh Sơn cho biết.
Tại chợ Yên Duyên, quận Hoàng Mai ngày 2/8, hàng hóa vẫn đảm bảo nhưng giá một số loại thực phẩm có tăng trung bình từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg so với trước. Theo đó, thịt lợn ba chỉ tăng từ 140.000 đồng lên 150.000 đồng/kg; dẻ sườn bò có giá 280.000 đồng/kg; gà ta thịt sẵn 120.000 đồng/kg; gà lông được bán với giá 100.000 đồng/kg, thịt vịt 80.000 đồng/kg.
Các loại rau cũng tăng giá từ 3.000 đến 4.000 đồng/mớ, hiện rau uống là 12.000 đồng/mớ; rau mùng tơi 10.000 đồng/mớ, bí xanh là 30.000 đồng/kg... Mặt hàng tôm ngày 2/8 không có hàng để bán. Còn tại chợ Đại Từ, quận Hoàng Mai, một số tiểu thương chia sẻ, khan hiếm thịt bò vì gần khu vực lò mổ có người mắc COVID-19.
Chị Phúc Hằng - tiểu thương bán thịt lợn tại chợ truyền thống khu vực Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Trước kia tôi chỉ nhận giao thịt cho những đơn hàng lớn như: Nhà hàng, cửa hàng phở… nhưng nay dịch bệnh khiến các cửa hàng đóng cửa nên bán chậm, tôi chuyển sang bán tại nhà, đi giao hàng cho các khách quen”, chị Phúc Hằng cho biết. Hiện giá thịt lợn không tăng so với trước, thịt thăn lợn giá 140.000 đồng/kg, ba chỉ giá 140.000 đồng/kg, sườn giá 150.0000 -180.000 đồng/kg, chân giò giá 130.000 đồng/kg…
Trong thời gian này, việc các chợ truyền thống hạn chế mua bán cũng là lúc các siêu thị và điểm bán thực phẩm đẩy mạnh việc bán hàng trên các kênh trực tuyến và thương mại điện tử.
Các điểm siêu thị ở Hà Nội như: Vinmart, Big C, Co-op mart, BRG…đều ghi nhận đơn mua hàng online của người dân trong những ngày qua đã tăng đột biến từ 50 - 70% so với thời điểm Hà Nội chưa giãn cách toàn thành phố. Đơn cử, lượt khách mua qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn đạt con số gần hơn 1.000 đơn hàng tính từ ngày 24/7, trong đó sản lượng tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu tại Hà Nội đạt hơn 7 tấn và có tốc độ tăng trưởng đạt 70% so với trước khi giãn cách.