Giá thịt lợn giảm mạnh (từ 20 đến 30 nghìn đồng/kg) đã kéo theo một số mặt hàng thực phẩm giảm đáng kể. Nhưng có một nghịch lý tồn tại "bất thành văn" là khi giá thịt lợn, thịt bò, thịt gà tăng, các mặt hàng liên quan như phở, bún, thức ăn nhanh… đồng loạt tăng giá mạnh. Điều đáng nói hiện nay các loại thực phẩm này đều đã giảm giá, nhưng hầu hết các hàng quán kinh doanh ăn uống lại không hề giảm, thậm chí có nơi vẫn còn tăng. Đáng tiếc là hiện nay lại không có ai quản lý giá ở những loại hình kinh doanh này, đặc biệt là thức ăn đường phố, để họ thả cửa "lên nhưng không xuống".
Hàng ăn vẫn "chém đẹp" khách
Những ngày qua, một trong những mặt hàng gây "sốt" về giá là thịt lợn đã giảm đáng kể, từ 20-30 nghìn đồng/kg. Đây là một tín hiệu đáng mừng vì nguồn cung thịt lợn trong nước đã dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường và kéo giá thịt lợn giảm xuống. Giá thịt lợn giảm đã kéo theo thịt gà, thịt bò, cá giảm xuống. Lẽ ra, khi giá thực phẩm giảm thì những mặt hàng "ăn theo" như đồ ăn sáng gồm bún, phở, bánh cuốn… đến các mặt hàng ăn nhanh hoặc các sản phẩm từ động vật được bán ở nhà hàng, quán ăn phải giảm, nhưng không phải như vậy.
Còn nhớ, cách đây chưa lâu, khi giá thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn tăng, các hàng quán cũng ồ ạt tăng giá theo. Ví như một bát phở tăng từ 3 đến 5 nghìn đồng; một suất cơm hộp tăng từ 5 đến 10 nghìn đồng… Không một mặt hàng ăn nhanh nào là không tăng theo giá tăng của thịt lợn, thịt bò. Thế mà khi thịt giảm thì các mặt hàng này vẫn đứng im tại chỗ, không có động thái nào giảm giá.
Chị Nguyễn Thu Phương cho biết: "Chỉ cách đây 5 tháng, một bát bún sườn ở phố Dã Tượng là 18 nghìn đồng. Khi thịt lợn tăng họ tăng giá lên 25 nghìn đồng. Thịt lợn giảm về mức như đầu năm rồi mà hàng ăn này chẳng hề giảm giá".
Kể từ đợt tăng giá thực phẩm ở mức cao như vừa qua, nhiều người dân có tâm lý "ngại" đến các nhà hàng, quán ăn bởi lẽ giá tại đây quá cao so việc mua nguyên liệu tự nấu nướng tại nhà. Cơm bụi, đồ ăn nhanh, quà sáng… đều tăng chóng mặt khiến nhiều người phải mang cặp lồng cơm đến cơ quan.
Anh Nguyễn Văn Minh, trú tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay: "Vào quán ăn có cảm giác như bị móc túi". Chẳng là, cuối tuần vừa rồi, anh dẫn cả gia đình vào quán lợn mán tại quận Hoàn Kiếm. Có 4 người ăn với mấy món hấp, nướng, xáo… cộng với đồ uống mà lên đến gần 2 triệu đồng.
"Tôi gọi 1 đĩa thịt lợn mán hấp có giá 120.000 đồng. Nhìn vào menu thì đĩa thức ăn hết sức đầy đặn, thế mà lúc nhân viên mang ra lèo tèo có vài miếng, chủ yếu độn rau sống ở dưới. Trả tiền đúng với món ăn mình được ăn thì không sao, nhưng nhiều nhà hàng lại "chém khách" mất uy tín" - anh Minh bức xúc. Thế là, sau một lần duy nhất, anh Minh cạch đến già không dám đến quán này lần nữa.
Không chỉ như vậy, không ít các cửa hàng lại "chém" khách bằng những loại phí rất vô lý với giá "trên trời". Kiểu "ép" khách phải chấp nhận loại phí phục vụ, phí rót rượu khi mang rượu tới quán chẳng khác nào "chặn đường" của khách. Nhiều thực khách đã phải "mắt tròn mắt dẹt" khi thanh toán những loại phụ phí này. Như tại một số cửa hàng gắn mác "quý tộc", trong một bữa ăn, chỉ có 2 xô ngâm đá cho 2 chai rượu khách mang đến, mấy cốc nước lọc chanh mà khách vẫn phải trả 400.000 đồng tiền phí phục vụ.
|
Giá thực phẩm đã giảm, nhưng nhiều hàng ăn sáng vẫn chưa chịu giảm giá. |
Ai quản lý giá?
Quán ăn, nhà hàng, hàng ăn vỉa hè… thì ai quản lý giá? Rất nhiều người tiêu dùng đã bức xúc khi họ bị "chặt chém" mà không biết "kêu" ai. Kiểu "tăng nhưng không giảm" của nhiều hàng ăn hiện nay gây bức xúc cho người tiêu dùng bởi việc tăng hay giảm không theo một quy định hay hạn mức nào. Và thật bất hợp lý ở chỗ, từ trước tới nay, hầu hết giá của dịch vụ kinh doanh ăn uống chỉ có tăng mà giảm thì hầu như không có, hoặc chỉ nhỏ giọt.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thì hiện nay giá thực phẩm đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, ông Đồng cũng đồng ý với việc giá tại các cửa hàng bán đồ ăn sáng, kinh doanh ăn uống… lại đang có xu hướng tăng. Nhưng việc quản lý giá của các hàng như: hàng rong, hàng ăn sáng… không phải dễ. Bởi lẽ, những hàng rong, hàng ăn sáng nay đây, mai đó không cố định. Các cửa hàng này lại hay lợi dụng việc các mặt hàng khác như xăng, điện… tăng giá để "té nước theo mưa". Sở Công Thương cũng như các ngành chỉ có thể quản lý được ở phương diện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự đô thị. Nói như thế thì việc thức ăn đường phố, thức ăn vỉa hè hiện nay không có ai quản lý giá? Và vô hình trung, sự mặc nhiên này đã khiến cho người kinh doanh thả sức "té nước theo mưa".
Và biện pháp để tránh thiệt hại cho người tiêu dùng hiện nay, theo ông Đồng là khách hàng cần "tẩy chay" những hàng quán "chém khách" hoặc bán với giá cao, bất hợp lý. Ông Đồng cho biết: "Nếu đã ăn một lần thấy giá đắt đỏ, khách có thể góp ý để cửa hàng thay đổi. Tuy nhiên, nếu cửa hàng không thay đổi, khách hàng nên chủ động "đổi địa điểm"".
Trong khi các cơ quan chức năng chưa có biện pháp quản lý giá đối với loại hình thức ăn đường phố, thậm chí cả nhà hàng, quán ăn có đăng ký kinh doanh, có lẽ biện pháp tốt nhất là người tiêu dùng nên tẩy chay những nơi đắt đỏ. Bởi lẽ, kinh doanh ngoài lợi nhuận thì phải có cái tâm, phải chiếm được tình cảm và sự tin tưởng của khách hàng. Nếu không làm được điều này, đương nhiên khách hàng sẽ "một đi không trở lại" và việc cạnh tranh khó mà có chỗ đứng trên thị trường
Theo cand.com.vn