Thừa Thiên - Huế tiếp sức cho người lao động vượt khó, ổn định cuộc sống    

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 300 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, khoảng 7.500 lao động bị dừng hoặc mất việc làm. Đồng hành cùng người lao động vượt qua khó khăn, tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Chú thích ảnh
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống. (Ảnh minh họa)

Giải quyết việc làm cho người lao động

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, một số nhà hàng, khách sạn, công ty… ở Thừa Thiên - Huế lâm vào cảnh lao đao, buộc phải đóng cửa. Anh Hồ Công Nhật (thị xã Hương Trà) cũng chật vật trong guồng quay sinh kế khi đơn hàng thủy sản đông lạnh của công ty anh làm việc ngày càng thưa thớt.

Sau nhiều tháng thất nghiệp, đầu tháng 7/2021, anh tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. “Trung tâm đã giới thiệu nghề nấu ăn rất phù hợp với sở thích của em nên em thấy hài lòng. Sau khi khóa học kết thúc mình sẽ mở quán ăn để kinh doanh và tiếp tục theo đuổi đam mê ẩm thực” - anh Nhật chia sẻ.

Trở về Thừa Thiên - Huế gần một năm nay, chị Trần Thị Như Phương (thành phố Huế, Thừa Thiên - Huế) cũng quyết định tham gia lớp học nấu ăn này. Chị mong muốn tìm được một nghề nghiệp mới sau khi công việc lâu năm của mình tại Đồng Nai “đứt gánh”. Theo chị Phương, chị được hỗ trợ hoàn toàn học phí để theo học lớp nấu ăn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Qua khóa học, chị được mở mang kiến thức về ẩm thực, biết nhiều kỹ thuật nấu ăn mới và am hiểu hơn về món ăn các vùng miền.

Danh sách hai lớp học nấu ăn như anh Nhật, chị Phương đang theo học tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kín. Các tiết học lý thuyết và thực hành đều được tổ chức xuyên suốt với sự tham gia của nhiều lứa tuổi học viên. Các học viên đều được đào tạo bài bản về chuyên ngành ẩm thực. Các lớp học về pha chế đồ uống, công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến, may mặc… tại Trung tâm cũng thu hút nhiều học viên trong thời gian này. Số học viên học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp tại Trung tâm qua 7 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với năm 2020. Các học viên sau khi hoàn thành khóa học được Trung tâm hỗ trợ kết nối, giới thiệu vị trí việc làm phù hợp.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giải quyết gần 5.200 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền gần 75 tỷ đồng. Hàng trăm lao động được hỗ trợ học nghề theo diện lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp và có được công việc, thu nhập ổn định. Theo ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế, đơn vị thường xuyên tổ chức cung cấp, tư vấn thông tin cho người lao động để họ có thể tiếp cận, nắm bắt cơ hội việc làm. Trung tâm cũng hỗ trợ người lao động học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp; kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn để tìm kiếm vị trí công việc phù hợp cho từng đối tượng lao động.

Với những người dân trở về từ vùng dịch có nhu cầu làm việc lâu dài ở địa phương, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng tạo điều kiện giải quyết việc làm căn cứ theo nhu cầu và tay nghề của lao động. Hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp may mặc lớn như Công ty cổ phần đầu tư - dệt may Thiên An Phát (phường An Hòa, thành phố Huế), Công ty cổ phần Hello Quốc tế Việt Nam (phường Hương Sơ, thành phố Huế), Công ty trách nhiệm hữu hạn Hanesbrands Việt Nam Huế (thị xã Hương Thủy)… đều có nhu cầu tuyển dụng các lao động có tay nghề, kinh nghiệm, trở về từ vùng dịch. Cụ thể, Công ty Scavi Huế (huyện Phong Điền) đang có nhu cầu tuyển thêm khoảng 1.000 lao động để đáp ứng dây chuyền sản xuất. Dự kiến tháng 4/2022, khu nhà máy may tiếp theo của công ty tại xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền) đi vào hoạt động sẽ cần khoảng 8.400 lao động làm việc.

“Bộ phận tuyển dụng của công ty đang tiếp nhận hồ sơ của các lao động trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng hướng đến tuyển dụng các lao động từ xa trở về đã hoàn thành cách ly y tế. Đây là cơ hội lớn cho họ được làm việc ổn định, lâu dài ngay trên chính quê hương mình” - ông Trần Văn Mỹ, Tổng giám đốc Công ty Scavi Huế cho hay.

Ổn định cuộc sống

Qua rà soát, các doanh nghiệp lớn và vừa của tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 8.000 vị trí việc làm; trong đó chủ yếu là các vị trí việc làm liên quan đến ngành nghề may mặc.

Anh Nguyễn Văn Tài (thành phố Huế) là một trong số những lao động đã chuyển đổi nghề nghiệp thành công. Sau khi học xong khóa học may công nghiệp, anh được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối, giới thiệu vào làm việc tại Công ty cổ phần đầu tư dệt may Thiên An Phúc (Khu Công nghiệp Hương Sơ, thành phố Huế). Đến nay, sau 5 tháng làm việc, anh Tài đã có thu nhập ổn định từ công việc mới.    

Anh Tài cho biết được đào tạo học nghề nên khi bắt đầu làm việc anh hòa nhập nhanh với môi trường làm việc mới. Mức lương khởi điểm 7 triệu đồng/tháng tại công ty cao hơn hẳn so với thu nhập trước đây của anh, cuộc sống anh được cải thiện hơn. Anh cũng hài lòng khi được hưởng các chế độ đãi ngộ từ công ty như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và tai nạn.

Dịch COVID-19 khiến cả những con người làm việc, định cư lâu năm cũng phải khốn đốn. Theo thống kê, hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 95.000 người đang sinh sống, làm việc ngoại tỉnh. Nhiều người trong số đó là những lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động. Qua các đợt dịch, người lao động Thừa Thiên - Huế liên tục hồi hương do thất nghiệp hoặc giãn cách xã hội.

Theo ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên - Huế, Sở đang phối hợp các ban, ngành và địa phương nghiên cứu các giải pháp phù hợp để tạo việc làm cho các lao động trở về có nhu cầu ở lại làm việc tại quê hương lâu dài. Song song đó, đơn vị cũng rà soát, đánh giá nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm kết nối các đơn vị tuyển dụng với người lao động.

Trong số các lao động về từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… có rất nhiều lao động là công nhân có tay nghề, kinh nghiệm làm việc tại các khu công nghiệp, xí nghiệp lớn. Vì thế, nhiều doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế mong muốn tuyển dụng nhóm đối tượng này, qua đó góp phần cân bằng nguồn nhân lực các vùng miền.

Vừa qua, Công ty Scavi Huế “chào mời” các lao động đang sinh sống, làm việc ở ngoại tỉnh trở về bằng một số cơ chế hấp dẫn như: hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm PCR trước khi vào làm việc; hỗ trợ "nóng" 5 triệu đồng đối với công nhân có tay nghề ký hợp đồng lao động chính thức; áp dụng chính sách, mức lương tương ứng với trình độ tay nghề…“Nhằm giúp đỡ, cải thiện đời sống của các công nhân có hoàn cảnh khó khăn yên tâm làm việc, công ty đang xây dựng 1.000 căn hộ liền kề phục vụ công nhân. Các lao động từ xa trở về sau khi được tuyển dụng cũng sẽ được hỗ trợ nơi ở nếu có nhu cầu” - ông Trần Văn Mỹ khẳng định.

Bài và ảnh: Mai Trang (TTXVN)
Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19
Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19

Để người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được tiếp cận chính sách hỗ trợ, tỉnh Ninh Thuận khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN