Thu thập dữ liệu chính xác để phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình. Thời gian lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân cho Dự thảo là từ nay đến hết ngày 18/5/2024.

Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.

Nghị định gồm 4 chương, 22 điều quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình. Đó là nguyên tắc xây dựng, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; nguồn thu thập dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành, địa phương... trong việc khai thác và sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu.

Theo tờ trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Thực tiễn công tác phòng, chống bạo lực gia đình vừa qua cho thấy, cơ sở dữ liệu là thông tin cung cấp bằng chứng thực tiễn phục vụ công tác quản lý nhà nước. Xác định việc tổ chức thu thập, thống kê chính xác các số liệu về phòng, chống bạo lực gia đình có ý nghĩa quan trọng trong công tác tham mưu, hoạch định các chính sách, giải pháp đối với lĩnh vực gia đình. Thu thập thông tin chính xác sẽ giúp việc xử lý thông tin hiệu quả bao quát, có trọng tâm, trọng điểm, đúng, trúng, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của công việc. Ngược lại nếu không có thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác sẽ tác động, ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả, dẫn đến việc xử lý công việc thiếu tính thuyết phục và không đáp ứng yêu cầu. 

Hiện nay, việc thu thập thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình chưa được khách quan, chính xác, kịp thời và còn thiếu nguồn lực để thực hiện. Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình còn chưa được xây dựng đồng bộ, đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa có sự kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác có liên quan.

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ là xuất phát từ nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà đáp ứng nhu cầu thực tiễn quản lý nhà nước về công tác này.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15 (Luật Phòng, chống bạo lực gia đình), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Luật này có nhiều nội dung mới không chỉ khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 mà còn thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong giai đoạn mới. Luật bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng đến xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Thanh Giang (TTXVN)
Các hành vi được coi là bạo lực gia đình
Các hành vi được coi là bạo lực gia đình

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 được tổ chức từ ngày 15/11 - 15/12/2023, nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo an sinh xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN