Theo thống kê của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn, hiện trên địa bàn tỉnh còn khoảng 38.000 ha diện tích đất ô nhiễm bom mìn. Tính từ năm 1991 đến nay, đặc biệt là trên địa bàn 4 huyện Cao Lộc, Bình Lộc, Đình Lập, Văn Lãng, đã xảy ra một số vụ tai nạn bom mìn, khiến các nạn nhân bị ảnh hưởng đến sức khỏe, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Quỹ Hoa Hoà bình và nhà tài trợ TASECO ( Công ty dịch vụ hàng không Thăng Long) đã hỗ trợ sinh kế đợt 1/2023 cho nạn nhân bom mìn sau chiến tranh thuộc diện nghèo và cận nghèo với số tiền là trên 340.000.000 đồng.
Nội dung hỗ trợ cũng được xem xét căn cứ trên nhu cầu và khả năng của các gia đình, tập trung vào hỗ trợ công cụ lao động, sản xuất, hỗ trợ chăn nuôi gà, vịt, lợn, trâu bò… qua đó giúp các nạn nhân một các thiết thực để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Cùng đó, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cũng tổ chức trao tặng 20 chiếc xe đạp cho 20 học sinh nghèo vượt khó của 3 huyện Bình Lộc, Đình Lập và Cao Lộc (mỗi em được trao 1 xe đạp và 500.000 đồng).
Trong khuôn khổ chương trình, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tổ chức tuyên truyền về những biện pháp phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân và các em học sinh trên địa bàn 3 huyện Bình Lộc, Đình Lập và Cao Lộc. Thông qua tuyên truyền, hướng dẫn nhằm giúp người dân và các em học sinh cách nhận biết một số loại mìn, vật nổ thường gặp và cách xử lý khi phát hiện các vật nghi là bom, mìn, vật nổ.
Tại chương trình, cách thức tuyên truyền được đổi mới theo hướng gần gũi với các em học sinh với những câu chuyện nhỏ, dễ hiểu. Hướng dẫn viên cũng đặt những câu hỏi giao lưu để các em chủ động tham gia và có nhận thức tốt hơn đối với hậu quả bom mìn.
Tỉnh Lạng Sơn nói chung và 3 huyện Bình Lộc, Đình Lập và Cao Lộc nói riêng, là địa bàn miền núi, biên giới, chịu ảnh hưởng nặng nề do bom mình từ chiến tranh để lại. Trong nhưng năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn và các địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp rà phá, nỗ lực khắc phục hậu quả mon mìn và vật liệu nổ. Tuy nhiên, một số diện tích vẫn chưa được rà phá ở các địa bàn khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người dân.
Lãnh đạo các huyện đánh giá cao những nỗ lực của Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, với những hoạt động thiết thực, giúp hỗ trợ các nạn nhân bom mìn có sinh kế và đời sống tốt hơn. Đặc biệt, công tác tuyên truyền được triển khai đa dạng giúp nhân dân và học sinh trên địa bàn 3 huyện có nhận thức sâu sắc hơn về hậu quả bom minh, vật nổ, từ đó phòng tránh những tai nạn thương tâm.