Thế giới trước thách thức 7 tỷ người

Hôm nay, ở một thời khắc nào đó và nơi nào đó trên thế giới, một sinh linh bé nhỏ cất tiếng khóc chào đời sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng của nhân loại: Dân số thế giới đạt ngưỡng 7 tỷ người. Đó có thể được coi là một thành công lớn của nhân loại. Tuy nhiên, thành công này cũng đặt nhân loại trước những thách thức không hề nhỏ. Việt Nam cũng đang có cơ hội khi bước vào thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”.

Thế giới trước thách thức 7 tỷ người

7 tỉ dân - đó có thể được coi là một thành công lớn của nhân loại. Nó chứng tỏ con người ngày càng khỏe hơn, sống lâu hơn và nhiều trẻ em vượt qua được bệnh tật để tiếp tục sống... Tuy nhiên, thành công này cũng đặt nhân loại trước những thách thức không hề nhỏ.

Cảnh chen chúc trong một bể bơi ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Ảnh: Internet

Theo số liệu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), dân số thế giới đã tăng từ 2 tỷ người năm 1927 lên 3 tỷ người năm 1959, 4 tỷ người năm 1974, 5 tỷ người năm 1987, rồi 6 tỷ người năm 1998 và nay đã đạt 7 tỷ người. Theo dự đoán của UNFPA, nếu tốc độ tăng dân số hiện nay vẫn được duy trì, Hành tinh Xanh của chúng ta sẽ có 9 tỷ công dân vào trước năm 2050 và đến năm 2100 có thể đạt mức kinh hoàng 15,8 tỷ người – gấp hơn hai lần mức hiện nay.

Những con số trên cho thấy, dân số thế giới đang gia tăng với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng dân số không đồng đều ở các khu vực trên thế giới, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Cảnh chen chúc tại nhà ga ở ngoại ô Dhaka (Bănglađét), một ngày trước Lễ Eid-al Adha. Ảnh: AFP-TTXVN


Tốc độ tăng dân số cao nhất là tại Nam Á và châu Phi. Rất nhiều quốc gia ở Tiểu Sahara châu Phi có tốc độ tăng dân số và tỉ lệ sinh đẻ cao song mức tăng trưởng kinh tế lại rất thấp. Vậy là, tăng trưởng kinh tế không bắt kịp với tăng trưởng dân số; dân số tăng nhanh hơn khả năng của chính phủ trong việc đáp ứng các nhu cầu về ăn ở, học hành, chăm sóc sức khỏe... cho người dân. Kết cục là các nước này đã nghèo càng nghèo hơn.

Trong khi đó, một số nước phát triển ở châu Âu và Nhật Bản lại đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số khi số trẻ em chào đời không đủ bù đắp số dân mất đi. Điều này đồng nghĩa với việc lực lượng lao động không được bổ sung thỏa đáng để duy trì tăng trưởng kinh tế; hệ thống phúc lợi xã hội bị giảm “đầu vào” song lại tăng “đầu ra” do già hóa dân số. Các quốc gia bị suy giảm dân số đang đau đầu với câu hỏi: “Có nên ‘mời’ người dân ở các nước khác tới để giải quyết tình trạng thiếu lao động hay không”. Đây là một câu hỏi không dễ đưa ra câu trả lời.

Trẻ em Xômali nhận lương thực cứu trợ tại Mogadishu. Ảnh: AFP-TTXVN

Dân số tăng nhanh sẽ kéo theo sự ra đời của các đô thị khổng lồ trên thế giới. Cùng với đó là làn sóng di dân ồ ạt từ nông thôn ra thành thị, gây ra nhiều vấn đề kinh tế - xã hội cho cả thành thị lẫn nông thôn, nhất là tại các nước đang phát triển. Nhiều vùng nông thôn chỉ còn lại chủ yếu người già và trẻ nhỏ trong những ngôi nhà vắng bóng người cha, người mẹ; trong khi ở thành thị đầy rẫy những người trẻ không có việc làm, không có nơi ở ổn định. Hệ quả tất yếu là các tệ nạn phát sinh ở cả hai khu vực. Không chỉ vậy, các chính phủ cũng đau đầu với bài toán tạo việc làm, nơi ở, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc sức khỏe, nơi vui chơi giải trí, hệ thống giao thông... cho các đô thị mới.

Lương thực nuôi sống 7 tỷ người cũng là một vấn đề nan giải. Theo số liệu của UNFPA, trên thế giới hiện có 1 tỷ người không được cung cấp đủ lương thực, nghĩa là cứ 7 người trên thế giới thì có 1 người bị đói. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, chất lượng đất nông nghiệp ngày càng suy giảm, nguồn nước cho nông nghiệp ngày càng hạn chế, thiên tai, dịch bệnh ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn...

7 tỷ người cũng tạo ra gánh nặng môi trường đối với Trái Đất. Lượng khí thải, rác thải do các công dân Trái Đất xả vào môi trường ngày càng nhiều; các nguồn tài nguyên đang bị khai thác đến cạn kiệt để phục vụ các nhu cầu của con người. Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), hơn 20% diện tích đất canh tác, 30% diện tích rừng và 10% diện tích đồng cỏ trên thế giới đang bị xuống cấp, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của 1/4 dân số toàn cầu.

Còn nhiều nữa những khó khăn thách thức mà dân số 7 tỷ người đặt ra cho thế giới. Tuy nhiên, những khó khăn thách thức này không phải là không thể tìm ra lời giải, nếu người dân trên toàn thế giới cùng góp tay vào công cuộc kiểm soát sự gia tăng dân số.

UNFPA cho rằng, đối tượng đầu tiên cần quan tâm là phụ nữ. Phụ nữ cần được chăm sóc sức khỏe sinh sản, được học hành và có công việc ổn định. “Khi người phụ nữ có trình độ, có sức khỏe tốt, họ sẽ không sinh nhiều con và những đứa trẻ sống trong những gia đình không có nhiều con sẽ được chăm sóc và dạy dỗ tốt hơn”, một báo cáo của UNFPA khẳng định.

Thứ hai, nên quan tâm đến giới trẻ. Theo thống kê của UNFPA, số người trong độ tuổi từ 10 – 24 trên toàn thế giới hiện lên đến 1,8 tỷ, mức cao nhất trong lịch sử nhân loại. Nếu nhóm người này được giáo dục tốt, chăm sóc sức khỏe tốt, họ sẽ là những “trụ cột” vững chắc nâng đỡ tương lai của cả thế giới.

UNFPA cũng cho rằng đã đến lúc phải thay đổi quan niệm rằng người già, đang chiếm tỷ lệ ngày càng lớn hơn trong cơ cấu dân số thế giới, là “gánh nặng” của xã hội. Cần tạo ra một thế giới mà ở đó, người già hoàn toàn có thể sống độc lập và tiếp tục đóng góp cho cộng đồng.

Nếu làm tốt những giải pháp này, dự đoán của giới chuyên môn rằng dân số toàn cầu sẽ giữ ở mức 8,1 tỷ vào năm 2050, sau đó giảm dần và đến cuối thế kỷ này còn 6,2 tỷ người không phải là viễn cảnh quá xa vời.

A.M (tổng hợp)

Thế giới trước thách thức 7 tỷ người
Thế giới trước thách thức 7 tỷ người

Hôm nay, ở một thời khắc nào đó và nơi nào đó trên thế giới, một sinh linh bé nhỏ cất tiếng khóc chào đời sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng của nhân loại: Dân số thế giới đạt ngưỡng 7 tỷ người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN