Cuộc chuyển giao lịch sử
Cách nay tròn 790 năm, tức ngày 12 tháng Chạp năm Ất Dậu, tại kinh thành Thăng Long diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại: Cuộc thiết triều cử hành nghi thức chuyển giao vương triều từ nhà Lý sang nhà Trần.
Tổ tiên họ Trần làm nghề chài lưới, đến đời Trần Hấp, di dời mộ tổ về đặt ở Mả Sao hương Thái Đường, nay thuộc huyện Hưng Hà và lên bờ định cư, phát nghiệp nông tang từ năm Quý Sửu (1133), 28 năm sau sinh ra Trần Lý.
Vào cuối triều Lý, binh biến xảy ra tại Kinh thành Thăng Long. Vua Lý Cao Tông phải chạy lên miền Tuyên Hóa. Hoàng tử Sảm đã được đưa về lánh loạn ở nhà Trần Lý tại thôn Lưu Gia, miền Hải Ấp và lấy Trần Thị Dung con gái Trần Lý làm vợ.
Di tích quốc gia đặc biệt khu Lăng mộ và Đền thờ các vị Vua Trần xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. |
Từ miền quê này, anh em họ Trần tập hợp hương binh kéo quân dẹp loạn, đưa Vua và Hoàng tử về cung. Cao Tông nhường ngôi cho Hoàng tử Sảm là Lý Huệ Tông. Trần Thị Dung được đón về cung để phong làm Hoàng hậu. Lý Huệ Tông không có con trai, cùng Trần Thị Dung sinh được công chúa Phật Kim rồi mắc bệnh trọng, mọi việc triều chính đều phó thác cho Trần Tự Khánh lo liệu. Sau Huệ Tông đã truyền ngôi cho công chúa thành vua Lý Chiêu Hoàng và nàng đã thành thân với Trần Cảnh khi chưa đầy mười tuổi.
Triều đình nhà Lý suy vong và thực chất vào thời điểm đó, mọi công việc triều chính đều dưới sự điều hành của anh em nhà họ Trần. Bằng mưu thần, trí thánh, Trần Thủ Độ đã cùng Trần Thị Dung sắp đặt để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, làm cuộc chuyển giao vương triều về cho họ Trần…
Sau khi giành được vương triều, nhà Trần đã khôn khéo dựa vào quê cha đất tổ để hưng nghiệp và giữ nghiệp. Bằng các chính sách khuyến nông, nhà Trần đã ban phong cho các công hầu, khanh tướng trong hoàng tộc nhiều điền trang, thái ấp thuộc phủ lộ Long Hưng. Công việc trị thủy, khẩn hoang ở miền đất này được chú trọng mà việc đào sông Thái sư là một trong những dấu ấn đến ngày nay. Ngoài việc mở mang kinh tế, huy động sức người, sức của để chấn hưng đất nước, còn là việc tạo dựng một khu vực phòng thủ, đề phòng khi có chiến tranh.
Khi giặc Nguyên Mông tràn sang, nhà Trần thực hiện kế sách “vườn không nhà trống”.Vùng đất Long Hưng là nơi tựa dựa để triển khai kháng chiến. Triều đình đã giao cho Trần Thị Dung đưa hoàng thân, quốc thích về sơ tán tại quê nhà. Nơi đây cũng là địa bàn chiến lược mà nhà Trần đã chăm lo xây dựng thành một phòng tuyến hiểm yếu để triển khai thế trận thủy chiến và cũng là một hậu phương vững chắc để huy động binh lương phục vụ cho ba lần kháng chiến.
Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 toàn thắng, Đức vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã đem các tướng giặc bị bắt là: Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ, Phàn Tiếp, Sầm Đoạn… và các thiên hộ, vạn hộ về Thái Đường làm lễ mừng thắng trận ở Chiêu Lăng. Khi hành lễ, nhìn vết chân ngựa đá bị nhuốm bùn chiến tranh, Trần Nhân Tông đã cảm khái đọc hai câu thơ bất hủ: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
Nhà Trần sáng nghiệp từ đất này và đã chọn đất Thái Đường làm nơi đặt tôn miếu, xây dựng lăng tẩm an táng các vị vua và hoàng hậu đầu triều cùng nhiều trọng thần trong hoàng tộc. Trải nhiều trăm năm binh lửa, hành cung và lăng tẩm đã bị hư hao nhiều nhưng sự lệ phụng thờ vẫn được các thế hệ cư dân lưu giữ. Năm 1989, Bộ Văn hóa Thông tin đã xếp hạng quốc gia di chỉ khảo cổ học Tam Đường. Đầu năm 2014, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định cấp Bằng Chứng nhận Lễ hội đền Trần Hưng Hà là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận đền thờ các vua Trần và khu lăng mộ các vua Trần là Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của Quốc gia. Hệ thống lăng mộ, đình, đền thờ Thái sư Trần Thủ Độ và Linh từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung tại xã Liên Hiệp cũng đã và đang được tôn tạo để xứng tầm với lịch sử.
Diện mạo nông thôn mới
Phát huy truyền thống của miền quê văn hiến, dưới thời đại Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà đã lập nhiều kỳ tích mới, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trên cuộc hành trình 30 năm đổi mới, hội nhập và 5 năm triển khai công cuộc xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện Hưng Hà đã có 25/33 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã còn lại đều đạt từ 14 tiêu chí trở lên, trong đó 100% xã đã đạt tiêu chí hộ nghèo và tiêu chí thu nhập; Huyện Hưng Hà đã đề nghị UBND, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thẩm định, công nhận huyện Hưng Hà đạt huyện nông thôn mới.
Có được những thành tích này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ban ngành trong tỉnh, và nhất là Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà đã tìm ra hướng đi đúng đắn nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ huyện, xã, đến thôn, làng đã thể hiện quyết tâm cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt các văn bản về xây dựng nông thôn mới, đề ra các biện pháp, giải pháp thực hiện, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo. Tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung, mục đích, ý nghĩa xây dựng nông thôn mới, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về lợi ích, trách nhiệm trong việc xây dựng nông thôn mới. Phát động và tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào “Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với các phòng trào hành động cách mạng khác. Đã khơi dậy truyền thống đoàn kết, yêu nước và cách mạng từ gia đình đến thôn, làng, xã thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới.
Địa phương đã phân cấp trách nhiệm và công việc để vận động xây dựng nông thôn mới. Đã cụ thể hóa 19 tiêu chí quốc gia để phân công giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân. Thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ tại cơ sở: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ; xây dựng nông thôn mới là đem lại lợi ích trực tiếp cho chính nhân dân, từ đó nhân dân thấy rõ vai trò chủ thể của mình, hăng hái tham gia hưởng ứng, cùng nhau thực hiện tốt các nội dung xây dựng nông thôn mới. Chủ động chỉ đạo và thực hiện dồn điền đổi thửa tạo tiền đề phát triển sản xuất, khai thác nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới. Xây dựng lộ trình triển khai của các tiêu chí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của huyện và các xã. Đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội được các địa phương triển khai có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên nguồn lực cho việc nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng đồng ruộng theo quy hoạch, các công trình hạ tầng khu dân cư theo phương châm “làm từ đồng về làng, làm từ thôn, làng lên xã”. Tạo chuyển biến tích cực, nhất là trên lĩnh vực giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường...
Hướng dẫn quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phù hợp tình hình địa phương, xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, huy động, quản lý nguồn vốn và quản lý các công trình xây dựng nông thôn mới cho từng cấp. Các thôn, làng đã tích cực huy động các nguồn vốn đóng góp tự nguyện của nhân dân (bằng tiền, ngày công lao động, vật tư, tháo dỡ công trình, hiến đất làm đường giao thông…), kết hợp với sự tham gia đóng góp, ủng hộ của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, doanh nhân, chức sắc tôn giáo và con em quê hương làm việc, công tác ở mọi miền đất nước. Kết hợp hài hòa giữa nguồn vốn góp và nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại địa phương, nông dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế hộ gia đình, ngành nghề, dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống nhân dân ổn định và phát triển. An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, giải quyết kịp thời các chế độ đối với người và gia đình có công, đối tượng chính sách xã hội và hộ nghèo. Công tác vệ sinh môi trường nông thôn chuyển biến tích cực, môi trường nông thôn luôn đảm bảo sạch đẹp.
Qua 5 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở Long Hưng - Hưng Hà đã thay đổi nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện được nâng cao, nhân dân hài lòng, tin tưởng về kết quả mà chương trình nông thôn mới đem lại. Đây chính là thành tựu mới mà người dân và chính quyền địa phương dày công vun đắp, là công sức của thế hệ hôm nay thắp sáng hơn nữa truyền thống của Long Hưng - Hưng Hà miền quê văn hiến, nơi sáng nghiệp nhà Trần.