Theo ông Thới, việc đặt và gắn bảng tên cầu này là do xã tự ý làm mà chưa xin ý kiến của huyện cũng như ngành chức năng.
Ông Dương Văn Thới cho biết thêm, để đặt tên cầu này một cách có ý nghĩa, đúng địa danh, tạo sự đồng thuận trong nhân dân thì UBND huyện giao cho UBND xã Vĩnh Bình phối hợp cùng ngành chức năng nghiên cứu, đồng thời tổ chức cuộc họp lấy ý kiến người dân để lựa chọn, đặt tên cầu cho phù hợp. Đặc biệt, UBND huyện Hòa Bình lưu ý rằng việc đặt tên cầu phải gắn liền với địa danh, người có công với cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Mẹ Việt Nam Anh hùng… hoặc những người có uy tín trong xã.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, từ trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay, khi công trình xây dựng đi vào hoạt động và được đặt tên là cầu “Ông Nguyên” thì đã gây bức xúc trong nhân dân. Bởi lẽ cái tên “Ông Nguyên” là để ghi danh ông Nguyễn Văn Nguyên, hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình. Ông này tuổi còn khá trẻ, chưa có thành tích, đóng góp lớn cho địa phương đến mức phải chọn đặt tên cầu. Chính quyền huyện Hòa Bình đã ghi nhận phản ứng của người dân và tiếp thu ý kiến của các cơ quan báo chí.
Cây cầu từng được gắn biển “Ông Nguyên” thuộc công trình đầu tư đường giao thông nông thôn hàng năm của huyện Hòa Bình do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng các công trình cơ bản của UBND huyện làm chủ đầu tư, với tổng vốn hơn 900 triệu đồng (từ nguồn ngân sách của huyện). Công trình đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.