Trong tháng 10/2024, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã quyết định xử phạt hành chính 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến việc không tuân thủ đúng quy định về hợp đồng và các yêu cầu về báo cáo tài chính.
Đó là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nguồn nhân lực quốc tế Hùng Vương bị phạt 57,5 triệu đồng do đóng không đúng thời hạn vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; không ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí của người lao động trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở Macao (Trung Quốc) đối với 3 lao động.
Doanh nghiệp thứ 2 bị xử phạt là Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Dịch vụ Hoàng Minh (Hà Nội) bị phạt 130 triệu đồng do báo cáo không đầy đủ tình hình hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, doanh nghiệp này ký không đúng mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật Bản đối với 2 lao động; không ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí của người lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật Bản đối với 2 lao động; đóng không đúng thời hạn vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; thanh lý hợp đồng không theo quy định của pháp luật đối với 3 lao động đi làm việc tại Nhật Bản.
Doanh nghiệp thứ 3 là Công ty cổ phần Đào tạo nhân lực quốc tế T&G bị xử phạt 12,5 triệu đồng do không đăng tải hoặc không cập nhật khi có sự thay đổi trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật về: danh sách nhân viên nghiệp vụ; cơ sở vật chất phục vụ giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng xử phạt nhiều doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài do các lỗi như: Ký không đúng mẫu hợp đồng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thực hiện không đúng nội dung hợp đồng cung ứng lao động...
Song hành với việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập và điều kiện làm việc tốt tại khu vực châu Âu. Hiện nay, số lượng lao động đi làm việc tại thị trường này chưa nhiều nhưng điều kiện làm việc và thu nhập tương đối tốt. Việt Nam và các nước thuộc Liên minh châu Âu cũng có quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện, trong đó có lĩnh vực hợp tác lao động. Hoạt động hợp tác này mang lại lợi ích to lớn cho mỗi nước. Hiện các nước thuộc Liên minh châu Âu có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực, bù đắp thiếu hụt lực lượng lao động do già hóa dân số. Trong khi đó, Việt Nam là nước có dân số trẻ, cần giải quyết việc làm, đào tạo kỹ năng nghề, tác phong lao động công nghiệp.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 9 năm 2024 là 12.369 lao động (4.363 lao động nữ), gồm các thị trường: Nhật Bản: 6.447 lao động, Đài Loan (Trung Quốc): 4.735 lao động, Trung Quốc: 196 lao động, Hàn Quốc: 165 lao động, Romania: 155 lao động, Singapore: 133 lao động và các thị trường khác.
Như vậy, trong 9 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 113.896 lao động (36.059 lao động nữ) đạt 91,11 % kế hoạch năm 2024 (năm 2024, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 125.000 lao động). Trong số đó, Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 56.566 lao động, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc): 43.690 lao động, Hàn Quốc: 6.276 lao động, Trung Quốc: 1.704 lao động, Singapore: 1.040 lao động, Romania: 670 lao động, Hungary: 449 lao động và các thị trường khác.