Sạt lở đồi núi nghiêm trọng
Qua thống kê, trong tháng 11, địa bàn thành phố đã xảy ra 5 điểm sạt lở đồi núi. Trong đó, ngày 14/11, sạt lở xảy ra
tại khu vực 3 phường Ghềnh Ráng, khu vực 5 phường Quang Trung và trên tuyến Quốc lộ 1D thuộc phường Ghềnh Ráng. Ngày 30/11, sạt lở tại khu vực 1 phường Đống Đa và khu vực 7 phường Bùi Thị Xuân.
Bà Võ Thị Liên, khu vực 1 phường Đống Đa cho biết, gia đình bà xây dựng nhà và sinh sống dưới chân núi Bà Hỏa từ năm 1991. Trước đây, bà chưa thấy tình trạng sạt lở tại khu vực này. Tuy nhiên năm nay, sạt lở xảy ra với khối lượng đất đá lớn đổ xuống ngay sát mép nhà khiến gia đình rất lo lắng. Theo bà Liên, bên cạnh nguyên nhân do mưa lớn trong nhiều ngày, việc xây dựng đường và cống thoát nước ngay sát chân núi Bà Hỏa khiến đất đá trên núi dễ bị trôi theo dòng nước.
Theo ông Đinh Văn Hùng, khu vực 3 phường Ghềnh Ráng, nơi ông đang sinh sống trước đây thuộc chân núi Vũng Chua. Khi nơi đây quy hoạch thành khu tái định cư Hưng Thịnh, chân núi đã bị đào sát vào để xây dựng hạ tầng, lại không làm mái taluy kiên cố nên đã xảy ra sạt lở khi có mưa lớn. Đại diện chủ đầu tư xây dựng khu tái định cư Hưng Thịnh cho biết, đơn vị đang khẩn trương lắp 30 cống hộp để hạn chế thấp nhất xảy ra sạt lở; sau đó, sẽ tiến hành xây dựng một tường chắn kiên cố cao 6m tại vị trí sạt lở để đảm bảo an toàn lâu dài.
Tại hiện trường vụ sạt lở xảy ra ở khu vực 7 phường Bùi Thị Xuân, đất đá từ trên núi Hòn Chà đổ xuống một số nhà máy dưới chân núi, uy hiếp đến an toàn vận hành một vị trí cột điện 220 kV tuyến Quy Nhơn - Tuy Hòa trên đỉnh núi.
Ông Trần Hồng Tuấn, Giám đốc Truyền tải điện Bình Định (Công ty Truyền tải điện 3) cho hay, đơn vị xác định do mưa lớn xuất hiện trong nhiều ngày làm cho các thành phần hạt trong khối đất rời rạc, kết cấu đất đá kém chặt dẫn đến hiện tượng sạt lở đất đá tại đây. Công ty đã phối hợp các đơn vị tư vấn, thiết kế để khảo sát, tính toán và có giải pháp bảo vệ an toàn cho trụ điện này như kè móng hoặc di dời đến nơi an toàn.
Tìm giải pháp cảnh báo sớm
Tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định năm 2021 vừa được tổ chức, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn cho biết, thành phố đang thuê đơn vị tư vấn để khảo sát, đánh giá lại toàn bộ địa chất khu vực núi Bà Hỏa cũng như các vùng đồi núi xảy ra sạt lở trong hai đợt mưa lớn vừa qua. Khi có đầy đủ dữ liệu, UBND thành phố sẽ báo cáo và xin ý kiến UBND tỉnh về phương án xử lý, đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư, các tuyến đường, công trình hạ tầng, lưới điện.
Đối với tuyến Quốc lộ 1D đi qua thành phố Quy Nhơn, quá trình triển khai thi công đã có nhiều vách taluy dương có mái dốc đứng. UBND thành phố kiến nghị UBND tỉnh và Sở Giao thông Vận tải xem xét phối hợp với Chi cục Quản lý đường bộ III.4 (Cục Quản lý đường bộ III) đánh giá những vùng taluy dương có nguy cơ sạt lở. Qua đó có thể xử lý bằng cách hạ mái dốc và thực hiện các giải pháp kỹ thuật chống đỡ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đánh giá đợt mưa lũ năm nay lớn nhất trong 4 năm trở lại đây. Các địa phương trong tỉnh cần đánh giá mức độ thiệt hại, đề xuất các giải pháp khắc phục. Đối với những kiến nghị của UBND thành phố Quy Nhơn, tỉnh sẽ có đề xuất với Trung ương và Bộ Giao thông Vận tải về nguy cơ sạt lở trên tuyến Quốc lộ 1D.
Tỉnh giao Sở Xây dựng xem xét lại toàn bộ quy hoạch phát triển du lịch trên các vùng đồi núi. Trong đó, đề nghị hủy bỏ các dự án mới lập quy hoạch trên sườn núi. Sở Xây dựng phối hợp UBND thành phố Quy Nhơn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các ngành liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá lại địa chất ở tất cả các khu vực sạt lở để có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Theo ông Trần Văn Thảo, Liên đoàn trưởng Liên đoàn địa chất Trung Trung Bộ, tại Bình Định, 10 năm trở lại đây, nhiều vụ sạt lở đất đá đã xảy ra trong mùa mưa lũ và mức độ ngày càng gia tăng, gây nhiều thiệt hại về người, tài sản. Trong năm nay, thời tiết có chiều hướng cực đoan hơn, sạt lở xảy ra nhiều hơn, không chỉ tại các địa phương vùng cao mà còn ở các huyện, thị xã, thành phố ven biển, trong đó có thành phố Quy Nhơn.
Nguyên nhân khách quan là do kết cấu địa chất của các tầng đất đá cấu thành vỏ trái đất được hình thành cách đây hàng trăm triệu năm tuổi trải qua các chu kỳ hoạt động kiến tạo của trái đất đã bị dập vỡ, đứt gãy. Từ đất đá vững chắc phong hóa thành những dăm, sạn, cát, đất, bột sét… rất dễ tách rời, gây nên sạt lở khi có những tác động của dòng chảy. Nơi nào phong hóa càng mạnh, đất đá càng ít gắn kết.
Về nguyên nhân chủ quan, diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp lại nên rừng không đủ giữ nước, khi có mưa lớn,tốc độ dòng chảy sẽ tác động vào vỏ đất đá đã bị phong hóa gây nên hiện tượng sạt lở. Bên cạnh đó, khi triển khai các dự án trên, vùng đồi núi sẽ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.
Do vậy, khi thực hiện các dự án có quy mô lớn cần có những giải pháp bảo vệ, phục hồi môi trường tự nhiên, được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có sự giám sát chặt chẽ trong quá trình triển khai thi công để tránh những ảnh hưởng xấu đến môi trường, giảm thiểu tình trạng sạt lở. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tổng thể về môi trường địa chất tại những vị trí có khả năng xảy ra sạt lở.
"Chúng ta có thể thực hiện các tổ hợp phương pháp địa chất, trong đó có phương pháp hiện đại nhất mà thế giới đang áp dụng là địa vật lý và khoan để xác định kết cấu lòng đất, lấy mẫu phân tích tính chất cơ lý, các loại mẫu khác để xác định thành phần vật chất, tính chất cơ lý của đất. Từ đó, đưa ra những nhận định về khu vực đã xảy ra sạt lở và khoanh vùng cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở trong tương lai", ông Thảo cho biết.