Đến nay, sau hơn 30 năm triển khai, tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố đã giảm rõ rệt, chuẩn nghèo của Thành phố cũng đã cao gấp 3 lần chuẩn nghèo quốc gia, trở thành điểm sáng trong phong trào giảm nghèo của cả nước.
Nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phóng viên TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chùm 2 bài viết về chủ đề “Đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong hành trình giảm nghèo bền vững”.
Hội quán Ôn Lăng (của cộng đồng người Hoa) cùng Hội Chữ Thập đỏ Quận 5 tặng quà định kỳ giúp hộ nghèo, người già neo đơn, đóng góp một phần tích cực trong chương trình xóa đói giảm nghèo của địa phương. Ảnh tư liệu: Thanh Vũ/TTXVN
Từ một thành phố “đổ nát” sau chiến tranh, với quyết tâm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp người dân “hết đói, giảm nghèo”, dần chuyển sang hộ khá và tiến tới không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.
Tiên phong "tuyên chiến với giặc nghèo"
Những năm 90, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 17% tổng số hộ dân (gần 122.000 hộ) thuộc diện nghèo đói với mức thu nhập dưới 3 triệu đồng/người/năm. Điển hình, 6 huyện ngoại thành có hơn 57.000 hộ nghèo với khoảng 9.000 hộ phải cứu trợ thường xuyên và 2.000 hộ “trắng tay” vì thiếu vốn, thiếu đất, không có phương tiện sản xuất. Khi ấy, tại Thành phố Hồ Chí Minh nhiều người dân phải sống trong những căn nhà tranh vách lá, đặc biệt những hộ gia đình thuộc diện chính sách, những địa phương từng có nhiều đóng góp cho cách mạng cũng nằm trong diện đói nghèo. Tại thời điểm đó, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm đẩy mạnh “xóa đói giảm nghèo”, nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân.
Một trong những bước đi đầu tiên của Thành phố là thí điểm mô hình vận động tương trợ hộ nghèo vượt khó ở ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi từ năm 1992 rồi nhân rộng ra các huyện, ngoại thành khác. Thật bất ngờ, chỉ qua 6 tháng thực hiện, Thành phố đã huy động được số vốn trên 4 tỉ đồng hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo tự tổ chức cuộc sống, vươn lên.
Từ thành công ban đầu, Thành phố đã khởi xướng Chương trình “xóa đói giảm nghèo” trên quy mô toàn Thành phố. Đây cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai chương trình với nhiều mô hình hiệu quả. Hộ nghèo được giúp đỡ, động viên bằng tinh thần cùng với các ưu đãi khác như: Vay vốn; hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng; được cho mượn đất để trồng trọt chăn nuôi, hướng dẫn cách làm ăn, đào tạo tay nghề; giúp xóa nhà dột nát, tạm bợ; xây mới, sửa chữa nhà ở an toàn… Ngay từ ban đầu, lãnh đạo Thành phố xác định, Chương trình không phải là phong trào xã hội từ thiện, bao cấp đơn thuần mà phải tạo động lực giảm nghèo bằng cách trực tiếp tác động từ các chính sách để hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo tự vươn lên, theo phương châm “không cho cá mà hỗ trợ cần câu và hướng dẫn cách câu cá”.
Nhờ vậy, 3 năm sau, đến năm 1995, Thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa hộ đói, chuyển sang giai đoạn mới là “giảm nghèo, chống tái nghèo, tái đói”. Từ thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã đúc kết và nhân rộng được nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả. Đó là mô hình xây dựng dự án tạo việc làm cho người nghèo; mô hình một chi bộ, chi hội, tổ dân phố, một hộ khá giả trực tiếp nhận hỗ trợ, đỡ đầu hộ nghèo, cận nghèo; mô hình cho con em học chữ, học nghề để có việc làm ổn định, giúp gia đình thoát nghèo bền vững…
Năm 2004, lãnh đạo Thành phố quyết định chuyển sang giai đoạn 2 với mức chuẩn nghèo 6 triệu đồng/người/năm, cao gấp đôi so với cả nước. Từ khoảng 89.000 hộ nghèo (chiếm 7,72 %) năm 2004, đến cuối năm 2008 con số này đã giảm xuống còn hơn 3.000 hộ (chiếm 0,24 %); về cơ bản Thành phố không còn hộ nghèo. Đầu năm 2009, Thành phố Hồ Chí Minh quyết định chuyển sang giai đoạn 3, thực hiện Chương trình giảm nghèo tăng hộ khá với chuẩn nghèo mới là 12 triệu đồng/người/năm, cao gấp đôi so với chuẩn nghèo cả nước và bắt đầu nghiên cứu giảm nghèo đa chiều.
Trong giai đoạn 2021-2025, sau nhiều lần điều chỉnh, chuẩn hộ nghèo của Thành phố là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/năm từ 46 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên (13 chỉ số đánh giá nghèo đa chiều gồm: Dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; việc làm; bảo hiểm xã hội; người phụ thuộc trong hộ gia đình; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin).
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, Chương trình đã qua 33 năm với 7 giai đoạn, 10 lần điều chỉnh chuẩn nghèo. Qua các giai đoạn, tùy vào điều kiện, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, Chương trình giảm nghèo của Thành phố Hồ Chí Minh được nghiên cứu, xây dựng chuẩn nghèo phù hợp và luôn cao hơn so với chuẩn nghèo quốc gia từ 1 đến 2 lần. Như vậy, Thành phố Hồ Chí Minh đã không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Bài học thành công từ chương trình xóa đói giảm nghèo này là Thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh trên địa bàn. Ba việc lớn được đặc biệt tập trung giải quyết là: Trợ vốn cho xóa đói giảm nghèo, có phương hướng sau trợ vốn và các chính sách ưu đãi người nghèo.
Khơi dậy niềm tin, ý chí thoát nghèo
Lãnh đạo Quận ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ Quận 5 trao tặng sinh kế cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh tư liệu: Thanh Vũ/TTXVN
Trước đây, do không có việc làm ổn định nên kinh tế gia đình anh Nguyễn Văn Phê (xã An Phú, huyện Củ Chi) luôn rơi vào túng quẫn. Năm 2016 từ nguồn vốn vay ban đầu 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh Phê đã đầu tư chăn nuôi bò sữa. Nhờ nuôi bò sữa, kinh tế gia đình anh Phê bắt đầu khởi sắc. Tuy nhiên sau 3 năm, việc nuôi bò sữa dần thua lỗ, anh Phê phải bán đàn bò và bắt đầu đầu tư trồng rau sạch. Mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội một lần nữa, anh Phê đầu tư nhà lưới trồng rau trên diện tích 1.200 m2 tại ấp Xóm Thuốc, xã An Phú. Cùng với sự chăm chỉ chịu khó, áp dụng đúng các kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc theo hướng rau sạch, vườn rau của anh Phê luôn tốt tươi và đều đặn có thu hoạch mỗi ngày. Hiện trung bình mỗi ngày anh cung ứng khoảng 140 kg rau sạch cho khách hàng. Kinh tế gia đình anh lại khởi sắc thêm một lần nữa. “Tôi may mắn hai lần thoát nghèo nhờ vào sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Vì đã từng nghèo và thoát nghèo nhờ vào sự trợ giúp nên hiện nay nếu ai muốn học hỏi, áp dụng theo mô hình của tôi thì tôi sẵn sàng hỗ trợ để họ có thể thoát nghèo”, anh Phê chia sẻ.
Kể từ khi được địa phương hỗ trợ đi học nghề làm thú nhồi bông, cho vay vốn để mở xưởng sản xuất, gia đình bà Lê Thị Mười (ngụ Phường 13, Quận 8) đã chấm dứt chuỗi ngày thiếu trước hụt sau. Nhờ khéo léo và may mắn có nhiều đơn hàng, xưởng sản xuất của bà Mười ngày càng mở rộng. Kinh tế được cải thiện, bà Mười cũng đầu tư cho con cái học hành tới nơi tới chốn. Sau gần 10 năm, căn nhà cấp 4 vách tôn lụp xụp trước đây đã được xây lại thành 4 tầng khang trang, bà Mười còn mua được chiếc xe tải nhỏ để chở hàng. Con cái của bà Mười cũng đi học đại học, đã có công việc ổn định. Không những làm lợi cho kinh tế gia đình, bà Mười còn tạo thêm việc làm cho khoảng 10 người trong khu, có thu nhập ổn định. “Khi không còn phải lo đến cái ăn cái mặc, mình nghĩ nhiều hơn đến sự phát triển, đến những người xung quanh mình. Họ có việc làm, có thu nhập thì mới lo được cho con cái của họ học hành tử tế. Mình đã từng được giúp đỡ, hỗ trợ vì thế nay mình cũng nên hỗ trợ lại những người khác”, bà Mười cho hay.
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, thành công nhất của Chương trình giảm nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh là khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, hộ nghèo cùng với đó là sự chung tay của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong hỗ trợ người nghèo.
Người đứng đầu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị có liên quan cần thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin, kế hoạch giảm nghèo bền vững và bổ sung các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hộ cận nghèo về vốn, đào tạo nghề, việc làm, bảo đảm cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu khác.
“Toàn hệ thống chính trị Thành phố phải khơi dậy niềm tin, ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng cho người dân. Giảm nghèo bền vững là sự nghiệp của toàn dân, đó là việc làm nhân nghĩa, lương tâm, trách nhiệm và đạo lý ở đời, cùng chia sẻ với người nghèo khó để họ cùng vươn lên”, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ.