Thanh Hóa: Trên 80 ngầm tràn hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng

Thanh Hóa hiện có hơn 560 ngầm tràn; trong đó, hơn 90 tràn trên các tuyến đường tỉnh, 71 tràn trên các tuyến đường huyện và 400 tràn trên các tuyến đường xã, thôn, bản.

Chú thích ảnh
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hoá, hiện tỉnh có khoảng 80-90 ngầm tràn đang hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Mặc dù Thanh Hoá đã dành các nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa ngầm tràn xuống cấp, tuy nhiên vẫn còn nhiều tràn hư hỏng, xuống cấp chưa được sửa chữa, do ngân sách còn eo hẹp.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hoá, hiện tỉnh có khoảng 80-90 ngầm tràn đang hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Các tràn này thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi có mưa, lũ gây khó khăn trong đi lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Do yếu tố đặc thù thường xuyên bị ngập nước nên tình trạng chung của hầu hết các công trình tràn không tránh khỏi là hư hỏng bề mặt bê tông tràn do bị bào mòn, bong tróc.

Một số công trình tràn ở khu vực có địa hình đồi núi cao, vận tốc dòng chảy lớn, thường xuyên ngập nước trong thời gian dài khi có mưa lũ xảy ra dẫn đến những hư hỏng lớn hơn như xói lở thân tràn, chân khay, mặt tràn bị bong tróc, ổ gà.

Tại huyện miền núi Lang Chánh, toàn huyện có hơn 100 ngầm tràn; trong đó có 15 vị trí ngầm tràn thường ngập lụt khi trời mưa. Sau quá trình sử dụng, một số công trình ngầm tràn cầu có dấu hiệu xuống cấp, mặt tràn bong tróc, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn cho người và phương tiện di chuyển qua đây mỗi khi xảy ra mưa bão.

Tại tràn Chiềng Nang, xã Giao An, do mưa lớn nhiều ngày qua, nước lũ từ thượng nguồn đổ về mạnh và chảy xiết đã làm xói lở thân tràn, nhiều vị trí bị rò rỉ, nước chảy trong thân đập.

Chú thích ảnh
Ngầm tràn thuộc thôn Chiềng Ai, xã Hạ Trung, huyện vùng cao Bá Thước, Thanh Hóa bị hư hỏng, xuống cấp. 

Trước tình trạng hư hỏng nặng, nguy cơ mất an toàn, UBND xã Giao An đã kè đá để gia cố tạm thời, đồng thời cắm biển cảnh báo nguy hiểm 2 bên tràn. Hiện ngầm tràn này đã xuống cấp nghiêm trọng, thân đập đã bị nứt toác, nhiều vị trí nước chảy qua, rất nguy hiểm khi mùa mưa, các phương tiện và người đi qua đây.

Anh Phạm Văn Trường, xã Giao An, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá cho biết, khu vực này có con suối nước chảy qua rất mạnh, mỗi khi trời mưa nước dâng lên, ảnh hưởng đến đi lại của người dân.

Mặc dù nguy hiểm, nhưng nhiều người dân vẫn phải đi qua ngầm tràn này, anh Trường mong chính quyền sớm bố trí vốn tu sửa ngầm tràn Chiềng Nang để người dân đi lại thuận tiện.

Theo ông Lương Văn Thể, Phó Chủ tịch UBND xã Giao An, huyện Lang Chánh, trước tình trạng tràn Chiềng Nang xuống cấp, UBND xã  đã cho kè các đá để gia cố phần thân đập bị vỡ. Tuy nhiên, do lượng nước từ đầu nguồn đổ về rất là lớn trong mùa mưa lũ. Chính vì vậy, nếu không sửa chữa kịp thời, đập sẽ nguy cơ tới đây bị đứt, gãy, vỡ thân đập, gây nguy hiểm cho các phương tiện qua lại.

Tại huyện vùng cao Bá Thước hiện có 52 công trình ngầm tràn; trong đó có 11 ngầm tràn hư hỏng, ngập lụt. Đến nay, huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan ưu tiên nguồn kinh phí để duy tư, sửa chữa 4 công trình tràn.

Đối với các tràn xuống cấp còn lại chưa được bố trí kinh phí sửa chữa, địa phương đã chủ động các giải pháp để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông qua tràn trong mùa mưa lũ.

Tại xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước, tràn thôn Hiềng xây dựng cách đây 16 năm, sau nhiều năm đi vào sử dụng và hứng chịu các đợt mưa lũ nên hiện trạng của tràn hiện nay đã hư hỏng, vào mùa mưa, tràn thường xuyên bị ngập sâu gây chia cắt giao thông và cô lập hàng trăm hộ dân. Ngoài ra, huyện Bá Thước cũng còn nhiều ngầm tràn hư hỏng khác cần kinh phí tu sửa.

Chú thích ảnh
Ngầm tràn thuộc thôn Chiềng Ai, xã Hạ Trung, huyện vùng cao Bá Thước, Thanh Hóa bị hư hỏng, xuống cấp. 

Theo ông Trần Duy Tiến, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bá Thước, trước mắt, huyện huy động các nguồn lực tự có của địa phương, đặc biệt các xã sẽ huy động nguồn kinh phí tự có để sửa chữa những hư hỏng tạm thời về mặt tràn.

Ngoài ra, trong việc cảnh báo, huyện sẽ lập các barie tại các đầu tràn để đảm bảo mưa bão, đồng thời sửa các cột thuỷ trí để cảnh báo mực nước cho bà con khi qua lại các trên các ngầm tràn xuống cấp.

Để khắc phục ngầm tràn xuống cấp, trong năm 2023, tỉnh Thanh Hoá đã sửa chữa, thay thế trên 10 tràn xuống cấp, hư hỏng nặng bằng các công trình cầu, cầu tràn liên hợp với tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng.

Song song đó, Thanh Hoá đã ban hành nghị quyết, cho phép các huyện miền núi khó khăn đầu tư các công trình ngầm tràn được hỗ trợ kinh phí 95%, tuy nhiên vẫn còn nhiều ngầm tràn khác chưa được sửa chửa do không có kinh phí.

Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hoá khẳng định, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý dự án bảo trì thực hiện rà soát, chỉ đạo đơn vị bảo dưỡng thường xuyên và xử lý các tràn có nguy cơ xói lở. Sở đã báo cáo tỉnh và UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý xử lý 2 tràn trên địa bàn huyện Lang Chánh và một số đoạn tại địa phương khác.

Sở Giao thông Vận tải tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, thực hiện việc rà soát, kiểm tra các ngầm tràn có dấu hiệu hư hỏng, từ đó báo cáo UBND tỉnh lên phương án, cấp kinh phí tu sửa.

Bài và ảnh: Nguyễn Nam (TTXVN)
Người dân cần cẩn trọng khi đi qua suối, ngầm tràn vào mùa mưa lũ
Người dân cần cẩn trọng khi đi qua suối, ngầm tràn vào mùa mưa lũ

Hiện Hòa Bình đang vào mùa mưa bão. Mưa lớn khiến nước từ thượng nguồn đổ về, các ngầm tràn ngập chìm trong dòng nước chảy xiết và trở thành mối nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN