Đối với những thương hồ, sống theo kiểu “gạo chợ, nước sông”, những chuyến buôn hàng Tết vào dịp cuối năm là những cữ chợ quan trọng nhất trong năm, vì lượng hàng hóa bán được nhiều do nhu cầu mua sắm đón Tết của người dân tăng cao. Vui hơn là, sau cữ chợ này, họ sẽ trở về nhà ăn Tết, sum hợp với gia đình sau một năm lênh đênh kiếm sống trên sông nước.
Ông Lê Văn Trọng, 85 tuổi, quê ấp Bình Khương 2, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang là một trong những người có thâm niên lâu năm nhất trong xóm thương hồ ở cặp kinh Chợ Gạo. Ông rời ghe lên bờ nghỉ ngơi chỉ vài năm nay sau khi giao chiếc ghe 12 tấn cho người con trai nối nghiệp. Ông biết đi ghe từ năm 15 tuổi, ban đầu chỉ là chèo xuồng mướn cho chủ ghe đi mua bán trái cây. Năm 20 tuổi, ông sắm ghe và bắt đầu cuộc sống thương hồ.
Đối với ông cũng như những thương hồ khác, những cữ chợ Tết cuối năm được xem là quan trọng nhất, vì số tiền lời kiếm được mỗi chuyến bằng vài chuyến ngày thường trong năm. Mặc dù đã lên bờ nghỉ ngơi, nhưng đến 23 tháng Chạp hằng năm là ông Trọng xuống ghe theo người con trai đi mua hàng, vì ông nhớ cảnh sông nước và không khí mua bán hàng hóa rộn ràng dưới sông trong những ngày giáp Tết.
Ông Trọng cho biết, ngoài hoạt động mua bán hàng hóa là rau, củ, quả hằng ngày, đến cuối năm, thường là từ ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), ông và người con út sẽ chạy ghe lên chợ Cái Bè hoặc chợ An Hữu (huyện Cái Bè) để mua hàng, chủ yếu là trái cây bày Tết. Đến khoảng 3 ngày sau thì chạy về theo tuyến kinh Chợ Gạo xuống kinh Nước Mặn (tỉnh Long An) hoặc huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) để bán.
Mua bán lâu năm, có mối quen nên phần lớn hàng của ông được bạn hàng trên chợ xuống tận nơi mua, một số ít thì bán cho khách vãng lai trên sông. Có những năm hàng hút, bán mới đến ngày 28 tháng Chạp đã sạch veo. Cũng có năm bán ế, đến sáng 30 Tết mà còn phải đậu ghe để bán hàng, đến trưa dù hàng còn ít hay nhiều thì cha con ông cũng phải dọn dẹp để chạy ghe về nhà đón giao thừa cùng với gia đình.
Còn vợ chồng ông Nguyễn Văn Hai, quê xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã theo nghiệp thương hồ gần 40 năm, đang bận rộn tìm các vườn trồng hoa Tết ở các xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan và Quơn Long để “đặt cọc” mua hoa cho cữ chợ Tết. Thường đến ngày 23 tháng Chạp ông Hai sẽ kêu công đi nhổ bông vạn thọ, sống đời hoặc cúc chuyển xuống ghe, bán dọc theo các chợ đầu mối cặp theo kinh Chợ Gạo: Chợ Bình Phục Nhứt, chợ Quơn Long, chợ Mới (thị trấn Chợ Gạo)… Nhờ vào đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, nên nhu cầu mua hoa bày không chỉ tăng vào những ngày lễ, Tết, mà thậm chí trong ngày thường cũng rất cao, nên gia đình ông Hai gần như mua, bán hoa quanh năm.
Theo nghiệp thương hồ nhiều năm, việc lênh đênh mưu sinh trên sông nước của gia đình ông nói riêng, những người theo nghiệp này nói chung còn là sự gắn bó, tình yêu sông nước. Ông Hai chia sẻ, bán hàng vào dịp Tết là vui nhất, từ 23 tháng Chạp trở đi, trên tuyến kênh Chợ Gạo nhìn đâu cũng thấy cảnh nhộn nhịp tàu, ghe chở đầy hàng tiêu dùng ngày Tết và đặt những chậu bông vạn thọ để trên mũi tàu, ghe; nhiều chủ phương tiện còn mua những chậu tắc trĩu quả, hoặc chậu mai vàng để trang trí trước mũi hoặc trên mũi tàu.
Vào dịp Tết, nhu cầu mua hoa trang trí nhà cửa tăng đột biến, nên mấy đứa con ông phải thuê thêm chiếc ghe để chở bông từ nhà vườn đến ghe nhà mới kịp bán. Có năm, vừa ghe vào bến, bạn hàng thấy bông đẹp, trả giá, mua hết cả ghe; có năm, bông nhiều, chỉ bán lai rai, đến cữ chợ 29 mới hết… “Bán hoa trong dịp Tết là vui nhất, vì lúc này người dân ai cũng vui vẻ nên ít mặc cả, giúp những người mua bán trên sông nước kiếm được tiền lời kha khá ăn Tết” - ông Hai vui vẻ nói thêm.
Dọc theo kênh Chợ Gạo còn rất nhiều hộ dân sống thương hồ, hầu như cả năm gắn bó với cảnh “gạo chợ nước sông” để mưu sinh. Những cữ chợ Tết cổ truyền đối với những gia đình này là dịp làm ăn, kiếm lời khấm khá để ăn Tết. Có thể nói, quanh năm bôn ba ngược xuôi miền sông nước, Tết thương hồ của những hộ dân sống cặp theo kinh Chợ Gạo luôn là một cái Tết đầm ấm, no đủ sau một năm vất vả mưu sinh.