Tết Hà Nội “đau đầu” vì tắc

Lượng xe taxi tăng mạnh, người dân đổ ra đường sắm Tết vội vàng, chợ hoa, tụ điểm công cộng, các điểm trông giữ xe mọc lên như nấm, tràn ra lòng đường… khiến càng cận ngày Tết Nguyên đán Tân Mão, mọi tuyến đường trung tâm của Hà Nội đều “oằn mình” “cõng” ùn tắc nghiêm trọng.


Không phải giờ cao điểm, trong cái rét căm căm, vẫn có hàng ngàn người và phương tiện chen lấn, lộn xộn, nhích tí một, thậm chí có tuyến phố rơi vào cảnh ùn tắc hàng giờ đồng hồ. Giải pháp phân luồng chỉ là tình thế. Bao giờ Hà Nội mới hết “đau đầu” vì ùn tắc?


Tắc… hết

Lạnh cóng kéo dài nhiều ngày qua khiến nhiều người dân Hà Nội, thay vì đi làm bằng xe máy lại chọn taxi và ô tô để tránh rét. Tình trạng này khiến cho mật độ ô tô tham gia giao thông trên các tuyến đường đông hơn nhiều lần so với ngày thường và trở thành nguyên nhân gây ùn tắc nghiêm trọng.
 

Không phải vào giờ cao điểm, nhưng trên các tuyến phố Bà Triệu, phố Huế, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Vân Hồ… bất cứ lúc nào, lượng người và phương tiện cũng ken đặc. Mỗi khi đèn tín hiệu giao thông đỏ, ngay lập tức tạo nên tình trạng ùn tắc cục bộ. Riêng các “điểm đen” giao thông Đại Cồ Việt, Trường Chinh, Thái Hà-Chùa Bộc, Ngã Tư Sở, Nguyễn Văn Cừ… đường luôn kẹt cứng, chẳng còn chỗ mà len lỏi, còi xe inh ỏi, khói xe lan tỏa ngột ngạt…

Trên đường Giải Phóng, lượng xe ô tô qua lại với mật độ lớn và cận ngày Tết, ngoài lượng xe taxi tăng cường phục vụ “thượng đế”, Hà Nội còn được bổ sung nhiều xe mang biển kiểm soát ngoại tỉnh.


Tại ngã năm Ô Chợ Dừa, ùn tắc kéo dài liên tục xảy ra hàng giờ đồng hồ do các tuyến đường Khâm Thiên, Đê La Thành, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Xã Đàn... có lượng người tham gia giao thông quá đông, lúc nào cũng có hàng ngàn ô tô, xe máy nối đuôi xếp hàng dài cả trăm mét chờ thông tuyến.

Đường Nguyễn Văn Cừ cửa ngõ vào trung tâm thành phố, ngay từ 7 giờ sáng, lượng xe ô tô đổ dồn về phía cầu Chương Dương chờ xếp hàng qua cầu kéo dài tít tắp. Xe ô tô quá đông chiếm hết cả phần đường dành cho xe gắn máy, nên tình trạng trộn dòng phương tiện diễn ra hàng giờ, khiến ùn tắc càng thêm nặng nề.


Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) chốt trực cũng chỉ còn cách điều khiển tại chỗ, lực bất tòng tâm, thậm chí bỏ qua nhiều xe vi phạm, vì sợ giữ lại còn tắc lâu hơn! Tuyến Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi-Thanh Xuân thường xuyên hỗn loạn, do có nhiều trường đại học, lượng sinh viên đi học bằng phương tiện xe buýt khá nhiều, trong khi xe buýt cũng tranh đường, vượt ẩu...

Ngã tư Lê Văn Lương - Láng, vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, giao thông cực “nóng”. Đây là đoạn đường dẫn đến nhiều cơ quan, công ty, nên có rất nhiều cán bộ, viên chức sử dụng xe hơi riêng, taxi đến cơ quan. Tại ngã tư Kim Mã-Nguyễn Chí Thanh, dù có lối rẽ phải cho dòng phương tiện đi từ Kim Mã sang Nguyễn Chí Thanh, nhưng do nhiều người đỗ xe chắn lối rẽ, mỗi khi đèn đỏ, rất hiếm phương tiện có thể rẽ ngang. Còn tại khu phố cổ vốn đã nhỏ hẹp, nhưng vì hàng hóa Tết tập trung tại đây quá nhiều, cộng với lượng người đổ về sắm Tết quá đông khiến khu phố cổ càng trở nên chật hẹp…

Giải pháp tình thế: Điều tiết, phân luồng tại chỗ

Theo thống kê của kênh VOV giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam), mỗi ngày Hà Nội xảy ra hàng chục vụ ùn tắc giao thông kéo dài. Đặc biệt, những ngày giáp Tết, số vụ ùn tắc ở Thủ đô còn tăng lên nhiều lần, trong đó nhiều vụ ùn tắc cục bộ kéo dài. Còn theo Phòng CSGT Hà Nội, thành phố hiện đã tăng tới 91 “điểm đen” giao thông thường xuyên xảy ra nguy cơ ùn tắc nghiêm trọng.


Có nhiều lý do dẫn đến thực trạng này như: Một bộ phận lớn công chức hàng ngày phải di chuyển vào nội thành làm việc do chuyển trụ sở; nhiều công trình giao thông trọng điểm dở dang, sự gia tăng đột biến của số lượng phương tiện vào dịp cuối năm… Mặc dù thành phố đã ban hành lệnh cấm xe tải, xe khách hoạt động trên 60 tuyến phố khu vực trung tâm, thu hồi tạm thời giấy phép trông giữ xe ô tô dưới lòng đường, ưu tiên cho các phương tiện cá nhân, nhưng tình trạng ùn tắc dịp Tết vẫn rất phức tạp. Giờ cao điểm ùn ứ, giờ "thấp điểm" cũng không tránh khỏi thực trạng "nối đuôi nhau nhích dần".

Theo kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán năm nay, Sở GTVT Hà Nội tập trung vào 2 phương án tình thế: Phân luồng giao thông từ xa và điều tiết, phân luồng giao thông tại chỗ. Phương án phân luồng giao thông từ xa sẽ thực hiện quy định cấm các loại ô tô tải trọng bằng hoặc trên 1 tấn và xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên hoạt động trên các tuyến phố vành đai II vào trung tâm thành phố và khu vực có nguy cơ ùn tắc cao. Thời gian thực hiện lệnh cấm này đến hết ngày 28/2/2011, trong thời gian từ 6 - 21 giờ hàng ngày. Phương án phân luồng giao thông cục bộ được thực hiện trên cơ sở phối hợp với các ngành chức năng trong thành phố.

Từ 27/1 - 28/2, Phòng CSGT Hà Nội sẽ huy động 100% quân số triển khai đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết Tân Mão 2011, trong đó sẽ tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông đường bộ.


Các đội nghiệp vụ sẽ bố trí linh động và hiệu quả cán bộ chiến sỹ tham gia điều tiết, phân luồng giao thông tại các ngã tư, ngã năm và trên các tuyến phố cũng như những tuyến đường huyết mạch của Thủ đô, hạn chế việc ùn tắc; đồng thời tập trung rà soát lại các điểm, nút ùn tắc, điểm đen về tai nạn giao thông để kịp thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, xử lý hiệu quả. Riêng tại các điểm đen thường xuyên xảy ra ùn tắc, lực lượng CSGT sẽ bố trí tăng cường quân số chốt trực để hướng dẫn, điều tiết, phân luồng tại chỗ.

Xe tỉnh ngoài vào nội thành quá nhiều
Đội trưởng Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) Nguyễn Văn Tòng cho biết: Tình trạng ùn tắc những ngày Tết bên cạnh lượng taxi hoạt động hết công suất gây nên, còn do lượng người và phương tiện đổ về trung tâm thành phố đông gấp 3 lần so với ngày thường, trong đó xe ô tô biển kiểm soát ngoại tỉnh vào nội đô quá nhiều, đặc biệt là các xe tải nhỏ chở đào, quất, vận chuyển hàng hóa chạy như mắc cửi. Cả đội có khoảng 70 chiến sỹ đã tỏa ra các chốt trực làm nhiệm vụ, nhưng vẫn không xuể.

Ùn tắc sẽ tiếp tục kéo dài đến 29 Tết mới có thể chấm dứt
Thiếu tá Lê Văn Hoan, Đội CSGT số 4 trực tại chốt ngã tư Đại Cồ Việt cho biết: Các kíp trực của đội tại các tuyến Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Kim Liên, Tôn Đức Thắng... luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều tuyến phố có khung đường hẹp lại diễn ra các công trình xây dựng đang thi công, cộng với việc lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, nên từ sáng đến chiều tối, lực lượng CSGT kết hợp với trật tự phường sở tại đều phải căng sức phân luồng tại chỗ. Mặc dù đã có hệ thống tín hiệu đèn, nhưng do lượng phương tiện quá lớn, cộng với việc đi lấn làn đường của người tham gia giao thông, nên nhiều tuyến rơi vào cảnh hỗn loạn. Tình trạng ùn tắc này sẽ tiếp tục kéo dài đến 29 Tết mới có thể chấm dứt.

5 km mất 2 giờ đồng hồ
Chị Thu Duyên, nhà ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc, làm việc ở phố Bà Triệu cho biết: Những ngày giáp Tết, tình trạng tắc đường ở Hà Nội diễn ra trên diện rộng. Nhiều ngày nay, chị luôn đi làm về trên đường Đại Cồ Việt ra hướng đường Trường Chinh thì bị tắc. Dời công sở từ 17 giờ, nhưng đến 19 giờ mới về đến nhà.

Phân luồng tại chỗ là giải pháp hữu hiệu nhất
Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Thạch Như Sỹ cho biết: Trong bối cảnh giao thông và tình trạng ùn tắc phức tạp của Hà Nội, việc tổ chức phân luồng tại chỗ kết hợp với kế hoạch phân luồng từ xa của thành phố là giải pháp hữu hiệu nhất để giải tỏa ùn tắc tạm thời, tránh ùn tắc kéo dài cho nhiều tuyến đường. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Tết Nguyên đán là tình hình giao thông Hà Nội lại trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng, sự gia tăng đột biến của phương tiện cá nhân, trong khi hạ tầng giao thông chưa cải thiện được nhiều là nguyên nhân khiến tình trạng này năm nào cũng "đến hẹn lại lên".

Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN