Ngày 25/11, tại Quảng Ninh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội thảo “Thực trạng và các giải pháp phòng, chống mại dâm trong tình hình hiện nay”. Tham dự có đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, các tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức hỗ trợ ở cộng đồng và đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội của 15 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hội thảo về việc phòng chống tệ nạn mại dâm tại Quảng Ninh. |
Theo báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, tình hình tệ nạn mại dâm ở một số địa phương vẫn tiềm ẩn phức tạp, thủ đoạn của tội phạm và người bán dâm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, khó kiểm soát; đã xuất hiện các tổ chức, đường dây hoạt động mại dâm “chuyên nghiệp” sử dụng mạng Internet, điện thoại di động và các phương tiện hiện đại khác để hoạt động trên diện rộng ở nhiều địa phương trong nước và nước ngoài, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc điều tra, kiểm soát. Một số tụ điểm mại dâm tại các khu du lịch, nghỉ mát, hoạt động mại dâm có chiều hướng công khai hơn làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận và quần chúng nhân dân.
Tại hội thảo, đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu, các tỉnh, thành phố đã tham luận tập trung vào những nội dung như: Tình hình tệ nạn mại dâm hiện nay, các vấn đề thực tiễn đặt ra trong việc nghiên cứu, đổi mới chính sách, pháp luật về phòng chống mại dâm; một số khó khăn, hạn chế trong công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến mại dâm; hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm, vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức phát triển cộng đồng; phòng chống mại dâm ở Việt Nam hiện nay, một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn giải quyết vấn đề mại dâm ở Hà Lan…
Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hiện nay, tệ nạn mại dâm vẫn còn phức tạp và thủ đoạn tinh vi hơn do chính quyền các địa phương trong tỉnh còn xem nhẹ, chưa cho rằng cần phải loại bỏ tệ nạn mại dâm. Ngoài ra, còn xuất hiện loại hình mại dâm núp bóng quán karaoke, vũ trường; mại dâm đã xuất hiện trên các tàu ở vịnh Hạ Long… Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung văn bản pháp luật về phòng chống mại dâm, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội và đề án liên quan đến đào tạo nghề…; triển khai mô hình giảm hại hòa nhập cộng đồng; tăng cường hoạt động điều tra triệt phá đường dây mại dâm phức tạp trên địa bàn...
Theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, công tác quản lý, giám sát người bán dâm khi hòa nhập vào cộng đồng còn hạn chế, người bán dâm sau khi tái nhập cộng đồng vẫn còn xu hướng quay lại hoạt động, gây khó khăn cho địa phương trong việc quản lý. 90% gái mại dâm là từ tỉnh khác đến, nên việc tái hòa nhập còn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, việc chưa có quy định tạm giữ người bán dâm quá 24 giờ cũng gây khó khăn trong quá trình điều tra, xét xử… Hiện tại, thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác thanh kiểm tra, tập trung xử lý 4 "điểm nóng" công cộng trên thành phố, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh các tội phạm liên quan đến mại dâm. Trong đó, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông ngăn chặn, xử lý tình trạng mại dâm sử dụng công nghệ cao; chú trọng đến loại tội phạm mua bán, lừa gạt, ép buộc người vì mục đích mại dâm. Thành phố tranh thủ viện trợ nước ngoài thực hiện mô hình dạy nghề tạo việc làm, tư vấn sức khỏe cho người bán dâm; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và nối mạng giữa các cơ quan chức năng để thuận lợi cho công tác quản lý...
Hội thảo cũng đánh giá thực trạng, những diễn biến, biểu hiện mới của tình hình tệ nạn mại dâm; các bất cập trong luật pháp, chính sách, các giải pháp về phòng, chống mại dâm đang thực hiện; đồng thời đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong công tác phòng, chống mại dâm hiện nay.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng