Tập trung thu hút lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH

Ngày 22/2, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) và Bảo hiểm xã hội (BHXH) tổ chức hội nghị “Phổ biến tuyên truyền về chế độ chính sách và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện”.

Quang cảnh hội nghị

Theo BHXH Việt Nam, đến nay mới có hơn 225.000 người tham gia BHXH tự nguyện, phần lớn là những người đã tham gia BHXH bắt buộc và tham gia đóng nốt thời gian còn lại theo quy định của Luật BHXH để lĩnh lương hưu.


Ông Trần Hải Nam, Vụ Phó Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho biết: Phần lớn những người tham gia BHXH tự nguyện đều đóng ở mức thấp, điều này cho thấy những người tham gia còn khó khăn về mặt tài chính. Chính vì vậy, mức đóng BHXH tự nguyện từ 1/1/2016 được quy định bằng 22% của mức thu nhập tháng, do người lựa chọn (thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở). Phương thức đóng linh động hơn theo hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, một lần cho nhiều năm về sau (tối đa 5 năm), một lần cho những năm còn thiếu (tối đa 10 năm).


“Đối tượng thu hút tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới là lao động khu vực phi chính thức, do đó, từ 1/1/2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, cụ thể mức hỗ trợ:Bằng 30% đối với người thuộc diện nghèo; 25% đối với người thuộc diện cận nghèo; 10% đối với các đối tượng còn lại. Với chính sách hỗ trợ này, hy vọng sẽ thu hút đối tượng tham gia”, ông Trần Hải Nam cho biết.


Theo phản ánh của các địa phương, việc thu hút người lao động tham gia BHXH gặp khó khăn là do quyền lợi thấp. “Hiện người lao động tham gia BHXH tự nguyện hiện chỉ được hưởng chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất; trong khi quyền lợi ngắn hạn như thai sản, ốm đau, tai nạn gắn sát sườn với người lao động thì không có nên nhiều người không mặn mà tham gia”, đại diện BHXH Hà Nam cho biết.


“Lực lượng tuyên truyền về BHXH tự nguyện tại địa phương còn thiếu kiến thức nghiệp vụ và khó cạnh tranh với bảo hiểm nhân thọ. Khi so sánh quyền lợi được hưởng giữa việc tham gia BHXH tự nguyện và bảo hiểm nhân thọ, nhân viên BHXH tuyến cơ sở gần như không biết giải thích”, đại diện BHXH tỉnh Thanh Hóa cho biết.


Hiện nay cả nước mới có hơn 13 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 25%, trong khi mục tiêu đến năm 2020 có 50% người tham gia BHXH. “Để đạt mục tiêu này, Bộ LĐTBXH, BHXH và các tỉnh thành có giải pháp tăng số người tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh giải pháp bổ sung chính sách với nhiều quyền lợi hơn, Chính phủ cần sớm khoán chỉ tiêu tăng số người tham gia BHXH tự nguyện tới từng tỉnh thành như với Bảo hiểm y tế. Có như vậy mới đạt mục tiêu tăng BHXH tự nguyện”, ông Trần Hải Nam cho biết.


Xuân Cường
Phạt BHXH tỉnh nếu chậm chi trả chế độ
Phạt BHXH tỉnh nếu chậm chi trả chế độ

Đó là một trong những cam kết của ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tại buổi đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày 16/12, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN