Đại diện tổ chức Plan International Việt Nam giới thiệu dự án. |
Ngày 17/8, Tổ chức Plan International Việt Nam, Hội Phụ nữ huyện Đông Anh (Hà Nội), Viện Light, Trường trung cấp kinh tế- kỹ thuật Bắc Thăng Long đã họp báo giới thiệu dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư Hà Nội”. Dự án triển khai từ cuối năm 2016 và đã thu hút được hơn 250 nữ lao động di cư tham gia học nghề.
Dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư Hà Nội” triển khai từ nay đến tháng 6/2019. Dự kiến sẽ có khoảng 2.000 nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư được cung cấp thông tin và tư vấn về nơi ở, việc làm và cơ hội học tập; 800 người được đào tạo tăng cường kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc; 590 người được kết nối với các doanh nghiệp để có cơ hội thực tập và việc làm ổn định sau đào tạo; 100 người được đào tạo và hỗ trợ tự kinh doanh từ những mô hình do chính họ lên kế hoạch thực hiện.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Đông Anh (Hà Nội), tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long có hơn 30.000 lao động nhập cư, trong đó có 90% là lao động nữ. Lực lượng lao động này đã đáp ứng nguồn nhân lực cho các nhà máy, doanh nghiệp tại Khu công nghiệp nhưng cũng đạt ra nhiều vấn đề về xã hội liên quan đến thuê nhà trọ, nhà trẻ mẫu giáo cho con em công nhân...
Hiện nay có một tình trạng khá phổ biến là công nhân lao động độ tuổi ngoài 30, đặc biệt là nữ công nhân, phải nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau. Theo kết quả một cuộc điều tra của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam mới đây, sau khi bị sa thải, khoảng 43,1% công nhân làm công việc tự do, 17,2% làm công việc buôn bán, 15,3% về nhà làm công việc nội trợ, 13,3% làm ruộng và hơn 11% bán hàng rong. Đối với nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, 12,1% làm công việc tự do.
Theo kết quả khảo sát với nữ công nhân và phụ nữ nhập cư đang sinh sống tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh (nơi có khu công nghiệp Bắc Thăng Long) do các đơn vị triển khai dự án tiến hành vào tháng 11/2016, hơn 80% số người tham gia khảo sát cho biết công việc hiện nay tại khu công nghiệp mang tính thủ công không giúp họ có một nghề ổn định sau khi nghỉ việc. Điểm đáng lưu ý có 53,3% số được hỏi cho biết không thích công việc hiện tại và mong muốn chuyển sang công việc bền vững hơn; 75% trong tổng số tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn được bắt đầu công việc kinh doanh để ổn định thu nhập.
Từ kết quả khảo sát, dự án phối hợp với các đơn vị gồm Hội phụ nữ huyện Đông Anh (Hà Nội), trường trung cấp kinh tế- kỹ thuật Bắc Thăng Long, doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động nữ muốn chuyển đổi nghề nghiệp gồm các nghề: làm tóc, nấu ăn, bán hàng, may mặc. Bên cạnh đó, các điểm tư vấn sẽ được thành lập để cung cấp thông tin, tư vấn cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư giảm thiểu nguy cơ bạo lực giới và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ về nhà ở an toàn, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục.
“Từ thực tế, dự án sẽ kiến nghị chính sách chăm lo lao động nữ, nhất là lao động từ 30-35 tuổi bị sa thải tại các khu công nghiệp, định hướng có việc làm bền vững hơn”, ông Lưu Quang Đại, giám đốc chương trình Plan International Việt Nam cho biết.