Tăng mạnh mức xử phạt vi phạm giao thông

Sáng ngày 1/8, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội đã ra quân thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm giao thông theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông chính thức có hiệu lực

Người dân bất ngờ nhưng đồng tình

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết: Ngay từ 6 giờ 30 phút sáng ngày 1/8, Phòng CSGT Hà Nội đã huy động 100% quân số các Đội CSGT tại các quận huyện, bố trí tuần tra, chốt trực tại các tuyến đường trọng điểm ra vào thành phố và các nút ngã tư, ngã năm có lưu lượng phương tiện lớn để kiểm soát vi phạm. Trong đó, tập trung xử lý các nhóm vi phạm như:  Không tuân thủ hiệu lệnh tín hiệu đèn, vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, không đội mũ bảo hiểm… Đây là những lỗi vi phạm bị tăng nặng mức phạt để răn đe. Lực lượng CSGT sẽ tuần tra lưu động kết hợp kiểm tra tại một điểm, hóa trang để dừng kiểm tra người và phương tiện vi phạm.

CSGT ra hiệu lệnh đối tượng cố tình không đội mũ bảo hiểm trên Phố Quang Trung

Theo các chiến sỹ CSGT chốt trực tại các nút giao, qua kiểm tra, xử lý vi phạm trong ngày đầu thực hiện Nghị định 46/CP, vẫn còn nhiều trường hợp người vi phạm khi bị dừng xe kiểm tra chưa biết thông tin về Nghị định 46/CP và vẫn cố tình không chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông (ATGT). Nghị định 46/CP sẽ tăng mức phạt 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm luật giao thông so với Nghị định 171/CP, 107/CP. Ghi nhận của phóng viên tại các nút giao thông trọng điểm cho thấy, người vi phạm khá tỏ ra bất ngờ, chưa biết về quy định mới.

Tại ngã tư Quang Trung – Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), anh Bùi Đức Nam, ở quận Đống Đa bị cảnh sát dừng xe do không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn vàng. Trả lời CSGT, anh Nam cho hay chưa biết về quy định tăng mức phạt theo quy định mới của Nghị định 46/CP. Sau khi tổ công tác Đội CSGT số 1 giải thích về áp dụng quy định mới, anh Nam mới đồng tình chấp hành. Em Nguyễn Huyền Thanh, nhà ở Thụy Khê, đi xe đạp điện trên đường Lạc Long Quân không đội mũ bảo hiểm, bị lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) phát hiện dừng xe, cũng cho biết hôm nay mới biết các quy định mới của Nghị định 46/CP và xin hứa sẽ không tái phạm.

CSGT đội 1 giải thích Nghị định 46.CP cho người vi phạm tại chốt kiểm tra ngã tư Trần Hưng Đạo - Quang Trung

Theo quy định mới, người tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như mức vượt đèn đỏ. Lái xe gắn máy (kể cả xe máy điện) vượt đèn vàng sẽ bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng (tăng gấp đôi), lái xe ô tô vi phạm bị phạt tới 2 triệu đồng (so với quy định cũ là 1,2 triệu đồng). Một số lỗi vi phạm khác như: Trường hợp lái xe không đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật cũng bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Lái xe ô tô vi phạm về nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3) có thể bị phạt đến 18 triệu đồng (so với mức phạt cũ tối đa 15 triệu đồng) và bị tước giấy phép lái xe tối đa 6 tháng. Lái xe ô tô vi phạm tốc độ vẫn giữ nguyên mức phạt đến 8 triệu đồng, nhưng sẽ bị tước bằng lái đến 5 tháng… Lực lượng CSGT sẽ áp dụng công nghệ cao, hình ảnh qua camera để xử phạt các hành vi vi phạm.

Cần sự công bằng

Bác Nguyễn Đức Long, Tổ trưởng Tổ dân phố Phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm cho biết: Trong bối cảnh giao thông Thủ đô đang còn nhiều bất cập thì các quy định mới sẽ góp phần nâng cao ý thức về chấp hành quy định về an toàn giao thông. Cần phải xử lý nghiêm, công khai, công bằng với mọi trường hợp vi phạm, để có hiệu quả răn đe, giáo dục, nâng cao ý thức tự giác và hiệu ứng xã hội tốt.

Lực lượng CSCĐ dừng học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm trên đường Bưởi

Nhiều người dân khi được hỏi cũng đồng tình với các quy định mới, cho rằng, Nghị định 46/2016/NĐ-CP mô tả rõ hơn nhiều hành vi vi phạm. Đơn cử như: Nghị định này đã bổ sung cụm từ “kể cả loại xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện” vào khái niệm “các loại xe tương tự xe ô tô” để bảo đảm đầy đủ chế tài đối với các hành vi vi phạm của lái xe; hay cụm từ “hết hạn sử dụng” thành “hết giá trị sử dụng”; hoặc thay cụm từ “trời tối” bằng “từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau” đối với hành vi không sử dụng đèn chiếu sáng khi trời tối…

Lực lượng CSCĐ lập biên bản xử phạt người vi phạm trên đường Lạc Long Quân

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định: Hầu hết các quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP đánh giá lại mức độ các hành vi vi phạm uy hiếp đến ATGT như: Vi phạm nồng độ cồn, chở quá tải trọng cho phép, vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đường thủy... Lái xe, chủ xe là những đối tượng đang được hưởng lợi từ nhu cầu vận tải hàng hóa, nên phải có trách nhiệm cao nhất đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội. Nếu cố tình vi phạm, cần phải xử nghiêm để tạo niềm tin cho người dân. Đây là lý do khiến việc tăng nặng các chế tài xử phạt đối với các hành vi này được đa số người dân đồng thuận.

Các chuyên gia giao thông cũng chia sẻ: Việc tăng mức xử phạt sẽ tăng tính răn đe, doanh nghiệp, lái xe tự giác chấp hành, đưa vận tải hàng hóa vào nề nếp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, cần áp dụng quy định công bằng, tránh tình trạng người vi phạm làm luật với các lực lượng chức năng.

Ngày 1/8, Phòng CSGT Hà Nội đã xử lý gần 600 trường hợp vi phạm luật giao thông theo Nghị định 46/CP.

Toàn văn Nghị định 46/CP/2016 về xử phạt vi phạm giao thông: http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Vi-pham-hanh-chinh/Nghi-dinh-46-2016-ND-CP-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-giao-thong-duong-bo-duong-sat-288330.aspx



Đăng Sơn - Doãn Tấn
CSGT Hà Nội huy động 100% quân số chống úng ngập
CSGT Hà Nội huy động 100% quân số chống úng ngập

Trận mưa lớn đêm 24/5 đã làm ngập úng tại 50 điểm trong nội thành, làm 3 cây cổ thụ đổ gẫy, theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN