Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, nhiều người dân đã gọi tới số 0961389389 và 0981389389 để phản ánh việc một số cửa hàng thuốc tại các tỉnh, thành phố tăng giá bán bất hợp lý hoặc lợi dụng sự khan hiếm hàng để mua vét, mua gom khẩu trang, nước sát khuẩn phòng dịch nCoV. Thậm chí một số đối tượng còn mua gom khẩu trang y tế để vận chuyển sang Trung Quốc bán kiếm lời, trong khi người dân địa phương không có để mua phục vụ việc phòng dịch.
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, trực ban đường dây nóng BCĐ 389 Quốc gia đã trực tiếp cung cấp số điện thoại hoặc hướng hướng dẫn cho người dân liên hệ ngay với cơ quan chức năng (quản lý thị trường - QLTT, bộ đội biên phòng, công an) của địa phương để xử lý nghiêm kịp thời.
Theo báo cáo của BCĐ 389 một số địa phương cho biết: Các lực lượng chức năng đã bắt giữ và phát hiện nhiều vụ buôn lậu trang thiết bị y tế tại các cửa khẩu phía bắc tiếp giáp với Trung Quốc. Một thực trạng nữa cũng lo ngại không kém là tình trạng xuất hiện trang thiết bị y tế giả phòng chống dịch nCoV.
Tại Hà Nội, mới đây Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an, phối hợp với Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện gần 4.000 chai dung dịch sát khuẩn và một số lượng lớn khẩu trang chưa đóng gói của một cửa hàng kinh doanh khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tại số 290 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội. Qua kiểm tra, toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Bên cạnh đó, để kiểm soát công tác phòng dịch, mới đây, Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia đã phối hợp với lực lượng chức năng, các cơ quan truyền thông tham gia 2 đoàn công tác của Cục QLTT Hà Nội và Bộ Y tế trực tiếp làm việc và kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất và kinh doanh trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng dịch nCoV.
Do đó, lực lượng QLTT, công an, y tế tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch nCoV để kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm đối với các trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng với mục đích trục lợi.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu mặt hàng và nguyên liệu phục vụ cho quá trình sản xuất các trang thiết bị y tế và các mặt hàng thuốc, máy móc phục vụ công tác phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ tại đường mòn, lối mở khu vực biên giới đường bộ, các khu vực cửa khẩu để phòng chống khoanh vùng dịch ngay từ biên giới.
Liên quan tới mặt hàng y tế vi phạm, Tổng cục QLTT vừa có công văn gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn công tác xử lý hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm hành chính đối với hàng hóa là khẩu trang y tế và dung dịch nước sát trùng, diệt khuẩn.
Đối với hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm hành chính nếu xác định được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản xuất, cung ứng hàng hóa, đề nghị thực hiện xử lý theo quy trình xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng tại Thông tư số 173/2013/TT-BTC và Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữ toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Đối với những hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm khác, đề nghị phối hợp, tham mưu với các cơ quan chức năng thành viên BCĐ 389 và các cơ quan có liên quan tại địa phương xác định chất lượng, nguồn gốc hàng hóa trước khi quyết định phương án xử lý.