Ngày 23/2, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Trong tháng 1 và tháng 2 năm 2014, Bộ Y tế đã thành lập 9 đoàn công tác giám sát, chỉ đạo công tác sẵn sàng ứng phó dịch cúm A(H7N9), cúm A(H5N1) tập trung tại các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc, các tỉnh, thành phố đang có dịch cúm trên gia cầm. Các đoàn cũng đôn đốc các địa phương thực hiện việc triển khai phòng ngừa, ngăn chặn, vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.
Ngành y tế tăng cường giám sát tại cửa khẩu 24/24 giờ thông qua kiểm tra khách nhập cảnh bằng máy đo nhiệt độ từ xa nhằm phát hiện những trường hợp mắc cúm A(H7N9). Theo đó, trung bình mỗi tháng có khoảng 130.000 lượt hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc và hiện không ghi nhận được trường hợp nào mắc cúm A(H7N9) ở người.
Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn. Ảnh: Thắng Trung/TTXVN
|
Theo kết quả xét nghiệm 5.653 mẫu bệnh phẩm tại các điểm giám sát cúm trọng điểm cho thấy chủ yếu là chủng vi rút cúm A(H3N2) chiếm 39%, tiếp đến là chủng vi rút cúm A(H1N1) đại dịch chiếm 28% và chủng vi rút cúm B chiếm 33%; không ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) và chưa phát hiện thấy hiện tượng biến đổi gen của vi rút cúm. Ngoài ra, các chủng vi rút khác như cúm A(H10N8), cúm A(H6N1) và cúm A(H9N2) cũng chưa phát hiện tại Việt Nam.
Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh, tổ chức kiểm dịch y tế chặt chẽ tại các cửa khẩu; nâng cao năng lực các phòng xét nghiệm; tổ chức thu dung, cách ly, cấp cứu, điều trị kịp thời không để xảy ra tử vong đối với các trường hợp mắc bệnh đầu tiên. Đồng thời, ngành kiện toàn các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát chặt tình hình dịch cúm trên gia cầm; đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch…
Thu Phương